• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bến Tre: thực trạng và giải pháp
Thực trạng hoạt động sản xuất của một số cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bến Tre (nguồn: P.KTATMT)

Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bến Tre: thực trạng và giải pháp

(Cập nhật: 13/03/2019)

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là vấn đề xã hội bức xúc cần được giải quyết. Thực phẩm an toàn có đóng góp rất lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người trực tiếp sử dụng mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thông qua gánh nặng chi phí chăm sóc sức khoẻ, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thương mại, dịch vụ. Do vậy, công tác quản lý VSATTP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Thực trạng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bến Tre năm 2018

Trong năm 2018, quản lý VSATTP được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Công Thương Bến Tre. Sở đã xây dựng các Kế hoạch cụ thể đối với lĩnh vực này, như các công tác triển khai và thẩm định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, công tác kiểm tra cấp Giấy xác nhận kiến thức ATTP, công tác tuyên truyền, phối hợp kiểm tra chuyên ngành và đã đạt được nhiều kết quả đáng kể:

Thứ nhất, về công tác hoạt động thẩm định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP: Sở Công Thương Bến Tre đã cấp 67 chứng nhận cho các cơ sở trong đó 32 chứng nhận cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm và 35 chứng nhận cho các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ. Sở Công Thương cũng đã tổ chức 36 lớp tập huấn kiến thức ATTP và đã cấp 2.043 Giấy xác nhận kiến thức ATTP cho các cá nhân và 12 giấy xác nhận cho các tổ chức.

Tháng 5/2018, Sở Công Thương Bến Tre đã triển khai áp dụng Nghị định 15/2018/NĐ-CP trong quản lý ATTP; theo đó, tại khoản d Điều 12 của Nghị định này quy định các cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ sẽ được miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP về quản lý ATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Công văn số 2129/BCT-KHCN ban hành ngày 21/3/2018 của Bộ Công Thương đã quy định tiếp tục triển khai công tác quản lý ATTP thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ theo quy định tại các văn bản hành chính, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Danh mục kèm theo) nếu không trái với các quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP cho đến khi Bộ có các văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc sửa đổi các văn bản hiện hành. Việc ban hành các văn bản dưới luật, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành luật còn chậm đã đã gây khó khăn không nhỏ đối với công tác quản lý VSATTP của Tỉnh Bến Tre, khi mà hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm của Tỉnh còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Cho nên, đến thời điểm hiện tại, Sở Công Thương chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký Cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở này, chiếm khoảng 248 hồ sơ.

Thứ hai, về công tác tuyên truyền: Sở Công Thương đã tổ chức được 5 lớp tập huấn về kiến thức pháp luật đối với lĩnh vực ATTP cho hơn 250 học viên là chủ các cơ sở, người trực tiếp sản xuất – kinh doanh thực phẩm thuộc các ngành nghề như rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, chế biến tinh bột, bánh, mứt, kẹo…; phát hành 9.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền về “ Đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản xuất – kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ” đến tay người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của Ngành Công Thương. Sở cũng đã phối hợp, hỗ trợ cho 14 xã thực hiện tiêu chí 17.8 về tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP, đây là một trong những tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Kết quả là tổ chức được 14 lớp tập huấn và cấp 689 Giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho các cá nhân tham gia. Công tác tuyên truyền về ATTP đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tuy nhiên, vẫn còn hạn chế do nguồn kinh phí còn hạn hẹp.

Thứ ba là công tác kiểm tra chuyên ngành: Sở Công Thương Bến Tre đã phối hợp với phòng Kinh tế Thành phố và phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện tiến hành kiểm tra 22 cơ sở và doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thực phẩm. Đối với mặt hàng rượu, Sở cũng đã lập kế hoạch riêng và tiến hành kiểm tra đối với 13 cơ sở và lấy mẫu ngẫu nhiên 7 cơ sở để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm công bố; kết quả có 3/7 cơ sở (chiếm 42,9%) chưa đạt yêu cầu. Đoàn kiểm tra đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 đơn vị này với tổng số tiền lên đến 28.585.500 đồng. Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường kiểm tra độc lập 66 cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm thuộc Ngành quản lý và xử phạt 44 cơ sở (chiếm 66,7%) với tổng số tiền là 71.580.000 đồng.

Để quản lý ATTP đạt hiệu quả và tránh chồng chéo giữa 3 Ngành là Công Thương, Y tế và Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương Bến Tre đã chủ động tham gia đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh về VSATTP và đã đạt được một số kết quả trong các đợt hối hợp kiểm tra như sau:

Trong Tháng hành động vì ATTP đã kiểm tra 44 cơ sở; chỉ có 7 cơ sở không đạt chiếm 16%, tổng số tiền phạt là 12.050.000 đồng.

Trong đợt Tết trung thu năm 2018 đã kiểm tra 48 cơ sở, có 4 cơ sở không đạt yêu cầu, tỷ lệ 8,3%. Tổng số tiền phạt là 400.000 đồng.

Trong đợt Tết nguyên đán năm 2018 đã kiểm tra 40 cơ sở; trong đó có 15 cơ sở không đạt yêu cầu (37,5%) với số tiền phạt là 28.800.000 đồng.

Chi cục quản lý thị trường cũng đã phối hợp với ngành Y tế kiểm tra 333 cơ sở; đã phát hiện 196 cơ sở vi phạm (chiếm 58,9%) do ngành Y tế lập biên bản.

Nhìn chung, công tác kiểm tra VSATTP của tỉnh Bến Tre đã đạt được kết quả tích cực, tránh được sự đan xen và chồng chéo giữa các ngành quản lý; tuy nhiên việc kiểm tra chất lượng hàng hoá của Tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, trình độ kiểm nghiệm kém đã dẫn đến việc chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hoá của cơ sở sản xuất chưa thật sự tốt thể hiện qua tỷ lệ cơ sở không đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm còn cao. Chế tài quá nhẹ, xử lý chưa nghiêm minh đã không đủ sức răn đe và dễ gây ra tình trạng tái phạm. Tỷ lệ các cơ sở vi phạm quy định về ATTP đã tăng đáng kể trong các đợt kiểm tra liên ngành.

Một số giải pháp khuyến nghị nâng cao năng lực quản lý VSATTP

Tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp liên ngành gồm Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Công An tỉnh để nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm an toàn thực phẩm, tăng cường công tác thanh kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, khởi tố một số vụ án đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP.

Phát huy tối đa vai trò của các sở, liên ngành trong lĩnh vực ATTP. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng liên kết nông sản an toàn – sản xuất thực phẩm tinh bột an toàn. Sở Công Thương siết chặc quản lý truy xuất nguồn gốc thực phẩm, phụ phẩm. Sở Y tế quản lý nghiêm ngặt nhập khẩu thực phẩm, vệ sinh ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…

Xây dựng mạng lưới cảnh báo nhanh về ATTP, thông tin rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông để nhà sản xuất, người bán hàng và người tiêu dùng nắm được các thông tin về chất lượng hàng hoá (từ nguyên liệu đầu vào), cũng như hành vi vi phạm của các cơ sở, người bán hàng; điều này sẽ nâng cao trách nhiệm của người sản xuất và người bán hàng.

Sớm có kiến nghị đến Bộ Công Thương ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành luật về quản lý ATTP, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Kiến nghị phương án kinh phí cho công tác quản lý ATTP theo hướng cho phép địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm ATTP và có kinh phí tăng cường từ ngân sách nhà nước đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho công tác này, đặc biệt là kiểm nghiệm chất lượng, xử lý tiêu huỷ thực phẩm không an toàn.

Tóm lại, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với tư cách là thành viên bình đẳng của WTO, việc tạo ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP là một yêu cầu có tính nguyên tắc. Chất lượng thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn đến khả năng cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường. Do vậy, trong năm 2019, Sở Công Thương sẽ định hướng và đặt vấn đề về đảm bảo VSATTP ngành Công Thương trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu được đề ra trong kế hoạch, chú trọng tuyên truyền chính sách về VSATTP; đảm bảo hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý thực hiện tốt các thủ tục và cũng như chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về VSATTP.

Nguồn P.KTATMT