• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Chống phân bón giả: "Cuộc chiến" vẫn cam go

Chống phân bón giả: "Cuộc chiến" vẫn cam go

(Cập nhật: 18/03/2019)

Kết quả các cuộc điều tra, khảo sát gần đây cho thấy, có tới 50% mẫu phân bón được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng đề ra. 

Báo động tình trạng phân bón kém chất lượng

Theo thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tổng lượng nhu cầu phân bón của cả nước khoảng 11 triệu tấn/năm và có xu hướng giảm dần. Tuy vậy, lượng cung thực tế vượt gấp 3 lần cầu, khoảng 30 triệu tấn/năm với hơn 10.000 chủng loại phân bón khác nhau, bao gồm cả phân bón nhập khẩu.

Tuy nhiên, đáng lưu ý, trên 50% mẫu phân bón được bà con sử dụng phổ biến khi kiểm tra đã không đáp ứng được các chỉ tiêu chất lượng theo đăng ký hoặc công bố trên bao bì. Điều này có nghĩa, trên 50% số phân bón trên thị trường hiện nay tương đương 15 triệu tấn phân bón có nguy cơ là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Kỹ sư Phạm Đức Thành - Phó Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - cho hay, kể từ năm 2010 tới nay, công ty đã phát hiện và phối hợp xử lý hàng trăm vụ làm nhái nhãn mác các sản phẩm phân bón hoặc tái sử dụng bao bì đã qua sử dụng của công ty để đánh lừa người tiêu dùng. Bị làm giả phổ biến nhất là sản phẩm NPK-S Lâm Thao 5.10.3-8, bởi đây là sản phẩm truyền thống lâu đời; thậm chí, tổng hàm lượng dinh dưỡng chính của các bao phân bón hàng giả chưa tới 1%.

Quy hoạch lại toàn diện

Tại Hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại - Phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế", ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - nhấn mạnh: Việc quy hoạch lại ngành phân bón cần có sự điều chỉnh các điều khoản của Luật và văn bản dưới Luật có liên quan tới ngành sản xuất phân bón bị đánh giá là chưa thực sự phù hợp. Bên cạnh đó, cần có biện pháp để giá thành hàng thật mang sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Ngoài ra, hiện nay, việc quản lý phân bón đã được thống nhất giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý theo Nghị định 108/2017 NĐ-CP, tạo thuận lợi trong việc chống nạn phân bón giả, nhái, kém chất lượng. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ tất cả các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Công Thương, Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố… tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cấp phép, sản xuất, khảo nghiệm, cấp giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón vô cơ và hữu cơ; giám sát kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, nhái, kém chất lượng…

Đại diện Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng nhấn mạnh, tất cả các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động hơn nữa, thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn nạn phân bón giả, bảo vệ thương hiệu và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và của người nông dân bằng cách sản xuất các loại phân bón có chất lượng tốt, giá bán hợp lý; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà sản xuất, hệ thống phân phối và người nông dân. Đồng thời, xây dựng hệ thống phân phối bán hàng khép kín, có chính sách hậu bán hàng tốt, trang bị kiến thức cho bà con nông dân về nhận diện thương hiệu, sản phẩm và hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật…

Tác động tiêu cực của phân bón giả, phân bón kém chất lượng rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng, thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế, an ninh lương thực. Tính toán cho thấy, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả, kém chất lượng, mỗi năm, Việt Nam mất đi khoảng 2,6 tỷ USD.

Nguồn: congthuong.vn