• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Chống hàng giả trong “bão” dịch: Nhận diện và đấu tranh hiệu quả

(Cập nhật: 20/04/2020)
Khi cả nước đang chung sức “chống dịch như chống giặc”, một số cá nhân, cơ sở với mục đích trục lợi đã sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế giả như: Khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, bộ đồ phòng hộ…, thậm chí còn tái chế khẩu trang đã qua sử dụng để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Phát hiện nhiều cơ sở làm giả

Là 1 trong những lực lượng đóng vai trò chủ công trên mặt trận chống hàng giả, thời gian qua, quản lý thị trường (QLTT) liên tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế phòng, chống dịch kém chất lượng, kịp thời ngăn chặn nhiều lô hàng giả, với số lượng hàng hóa lớn, thủ đoạn tinh vi. Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, thực tế của quá trình đấu tranh thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 cho thấy, khi có dịch, các mặt hàng diễn biến phức tạp.

Tuần qua, dư luận không khỏi rúng động khi lực lượng QLTT “chặn đứng” hơn 3.100 bộ đồ bảo hộ y tế của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh, địa chỉ số 5 ngõ 178 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội có dấu hiệu làm giả. Hay lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh phát hiện Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Song Thiên do bà Nguyễn Thị Tuyết Minh làm giám đốc, có địa chỉ tại số 254/17K Dương Đình Hội, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 có dấu hiệu vi phạm hành chính về sản xuất khẩu trang có bao bì giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác.

Nghiêm trọng hơn có lẽ là hành vi tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng, nếu như mới đây, lực lượng QLTT Long An không kịp phát hiện 2 cơ sở ở ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, chắc hẳn một lượng lớn khẩu trang kém chất lượng sẽ được “tuồn” ra thị trường.

Bên cạnh mặt hàng khẩu trang thì nước sát khuẩu cũng là mặt hàng được các đối tượng làm giả. Lực lượng QLTT trên cả nước đã thu giữ hàng nghìn chai nước dung dịch rửa tay diệt khuẩn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất…

Tiếp tục tăng cường kiểm soát

Trước tình trạng đó, Tổng cục QLTT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.

Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - cho rằng, lực lượng QLTT cần dự báo tình hình sát với thực tế không để các đối tượng lợi dụng làm giả nước sát trùng, khẩu trang.

Trước đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, phát hiện các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không tạo thành các điểm nóng phức tạp, kéo dài và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng.

Đồng thời, xây dựng cẩm nang nhận diện các phương thức thường được các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh. Từ đó, phổ biến đến các bộ, ngành, địa phương kịp thời nhận diện và triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thông tin từ Tổng cục QLTT, từ ngày 31/1 đến 12/4/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 7.965 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 3,66 tỷ đồng.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử