• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Dự thảo Nghị định quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh

(Cập nhật: 04/05/2019)

Luật Cạnh tranh được ban hành năm 2018 là một trong những Luật có tính chất đặc thù trong hệ thống pháp luật nước ta, bao gồm cả các quy định về nội dung và quy định về thủ tục tố tụng. Bên cạnh hệ thống pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng hành chính và tố tụng dân sự đã hình thành lâu trong lịch sử pháp luật Việt Nam, Luật Cạnh tranh ra đời đã xác lập một hệ thống tố tụng mới đó là tố tụng cạnh tranh. 

Tố tụng cạnh tranh là một quy trình riêng biệt và độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam trong đó quy định quy trình từ phát hiện, điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh thông qua cơ chế tập thể hoặc qua cơ chế cá nhân, quyền, nghĩa vụ và vị trí, vai trò của từng chủ thể trong quá trình tố tụng và các biện pháp ngăn chặn được áp dụng. Tương ứng với tố tụng cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh cũng quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Trong bối cảnh của nền kinh tế đang phát triển, các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường đang ngày càng gia tăng về số lượng, đa dạng và phức tạp, tinh vi về tính chất, thủ đoạn. Các hành vi vi phạm này cần phải được xử lý kịp thời nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Vì vậy, cần phải nhanh chóng xây dựng một Nghị định mới về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh để đảm bảo cơ sở pháp lý cho công tác thực thi pháp luật cạnh tranh.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Nghị định này. Dự thảo Nghị định gồm có 4 Chương, 39 Điều: Chương I “Quy định chung” gồm 6 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc xử lý vi phạm, hình thức xử lý vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm pháp luật về cạnh tranh, mức phạt tiền, bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây ra và quy định về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Chương II “Hành vi vi phạm, hình thức và mức độ xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh” gồm 20 Điều. Chương này tập trung quy định chi tiết về hình thức và mức độ xử lý đối với các hành vi: vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, vi phạm quy định về tập trung kinh tế, vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác; Chương III “Thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh” gồm 11 Điều, quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, thẩm quyền của hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, thủ tục xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh, thủ tục thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định xử lý vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác; Chương IV “Điều khoản thi hành” gồm 2 Điều, quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định này nhằm bảo đảm sự phù hợp của các quy định trong dự thảo với quy định của đường lối, chính sách của Đảng về quản lý cạnh tranh, với Hiến pháp, Luật cạnh tranh và các văn bản pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ và thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề về cạnh tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh; đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015 và pháp luật chuyên ngành có liên quan; thể hiện đường lối chính sách xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo tính khả thi, thuận lợi trong việc áp dụng các chế tài xử lý, nâng cao ý thức pháp luật và niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Nguồn: QLTM-SCT