• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Ấn tượng từ rau quả chế biến xuất khẩu
Chế biến thanh long tại Lavifood.

Ấn tượng từ rau quả chế biến xuất khẩu

(Cập nhật: 07/05/2020)

Xuất khẩu rau quả trong 4 tháng qua bị giảm đáng kể do Covid-19, nhưng rau quả chế biến lại tăng trưởng rất ấn tượng.

 
 


Thị phần Trung Quốc giảm mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, ước tính, xuất khẩu hàng rau quả tháng 4/2020 đạt 390 triệu USD, tăng 7,9% so với tháng 3/2020, nhưng giảm 15,6% so với tháng 4/2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,28 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu rau quả giảm so với cùng kỳ trong 4 tháng qua, chủ yếu do giảm mạnh về xuất khẩu sang thị trường số 1 là Trung Quốc. Những tháng đầu năm nay, do dịch Covid-19 ở Trung Quốc, rau quả là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng nhất tại thị trường này.

Cụ thể, trong quý 1, xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt 525,6 triệu USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Một điều đáng chú ý là trong khi giá trị rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, thì lại tăng mạnh ở nhiều thị trường khác.

Trong quý 1, xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đã đạt hơn 50 triệu USD, tăng tới 308,8% so với cùng kỳ 2019; xuất sang Hàn Quốc đạt 41,6 triệu USD, tăng 33%; sang Mỹ đạt gần 36 triệu USD, tăng 12,8%; sang Nhật đạt gần 36 triệu USD, tăng 26%…

Chính vì vậy, giá trị hàng rau quả xuất sang Trung Quốc chỉ còn chiếm tỷ trọng 59,1% trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả của quý 1.

Trong khi đó, ở quý 1 năm ngoái, giá trị rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 72,4%. Còn nhiều thị trường khác đã có sự gia tăng đáng kể về thị phần: Thái Lan từ 1,3% trong quý 1/2019 tăng lên 5,7%; Hàn Quốc từ 3,3% lên 4,7%; Mỹ từ 3,4% lên 4%; Nhật Bản từ 3% lên 4%…

Sự thay đổi rõ rệt nói trên về mặt thị phần, cho thấy, rau quả Việt Nam hoàn toàn có khả năng giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác.

Hàng chế biến xuất khẩu tốt

Một điều rất đáng chú ý nữa, là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu rau quả bị giảm về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng riêng nhóm hàng rau quả chế biến, lại tăng trưởng rất mạnh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sản phẩm chế biến là một trong những chủng loại hàng rau quả không chịu tác động từ đại dịch Covid-19, khi giá  trị xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2020.

Cụ thể, trong quý 1 vừa qua, rau quả chế biến xuất khẩu đạt giá trị 166,1 triệu USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Hoàng Hà, chủ một doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư vào chế biến rau quả, cho rằng, với đặc tính dễ sử dụng, tiện lợi và bảo quản được thời gian dài, sản phẩm rau quả chế biến rất tiềm năng trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu và chưa biết khi nào kết thúc.

Các sản phẩm chế biến có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong quý 1/2020: xoài sấy 14,4 triệu USD (tăng 149,7% so quý 1/2019); bột ớt 10,6 triệu USD (tăng 1375,1%); nước chanh leo 10,6 triệu USD (tăng 3,5%); trái cây sấy gần 9,5 triệu USD (tăng 222,2%); lá nho chế biến 8,8 triệu USD…

Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường, thì sản phẩm chế biến sẽ vẫn là chủng loại chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Do đó, nhu cầu đối với chủng loại này vẫn tăng.

Ngay tại thị trường Trung Quốc, khi xuất khẩu rau quả nói chung bị giảm mạnh, thì rau quả chế biến vẫn tăng trưởng tốt. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả chế biến sang Trung Quốc đạt 17 triệu USD, tăng 24,5%.

Cũng trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả chế biến sang các thị trường quan trọng khác đều tăng: Hàn Quốc đạt 14 triệu USD, tăng 3,1%; Nhật Bản đạt 8,9 triệu USD, tăng 3,1%; Mỹ đạt 7,9 triệu USD, tăng 16,7%...

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, rau quả chế biến hiện mới chỉ chiếm 18,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Do đó, mức tăng trưởng mạnh của rau quả chế biến chưa bù đắp được nhiều cho sự sụt giảm của ngành hàng rau quả trong quý 1 năm nay.

Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến để làm tăng giá trị xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường trên thế giới.
 

Nguồn: NNVN