• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thị trường bán lẻ: Sàng lọc mạnh mẽ
Thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng kỷ lục

Thị trường bán lẻ: Sàng lọc mạnh mẽ

(Cập nhật: 10/03/2021)
Mới đây, Tập đoàn Central Retail đã đổi tên 7 siêu thị Big C thành Tops Market và 5 đại siêu thị Big C thành GO!, chính thức kết thúc chuỗi thời gian thương hiệu Big C "làm mưa, làm gió" tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Việc biến mất của thương hiệu này cũng cho thấy sự sàng lọc mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam.


Cái tên Big C trước đây đã quá quen thuộc với người tiêu dùng Việt vì không chỉ có 22 năm hoạt động mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam mà còn giúp định vị hình ảnh một siêu thị bán lẻ luôn cung cấp sản phẩm giá rẻ hơn so với thị trường. Giai đoạn mới ra mắt, Big C cùng Metro - chuỗi siêu thị của Đức - đã giúp người tiêu dùng Việt Nam quen thuộc với hình thức mua sắm mới, khác biệt hoàn toàn với chợ truyền thống. Tuy nhiên, sau nhiều năm có mặt tại Việt Nam, Big C và Metro Cash & Carry lần lượt về tay ông chủ người Thái, được đổi tên thành GO! và MM Mega Market.

Theo các chuyên gia, việc đổi tên của Big C là chuyện bình thường, vì duy trì cùng lúc hai thương hiệu sẽ khiến doanh nghiệp thương mại phải chi nhiều hơn cho hoạt động marketing và định vị khách hàng bị phân tán. Trong khi đó, hợp nhất sẽ giúp tăng cường sự hiện diện của một thương hiệu. Tuy nhiên, việc hai thương hiệu đình đám hoàn toàn biến mất cũng cho thấy sự sàng lọc mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Cụ thể, ngoài Metro và Big C, các thương hiệu khác như Maximark, Ocean Mart, FiviMart cũng bị xóa tên khỏi thị trường bán lẻ, sau khi được sáp nhập vào hệ thống siêu thị VinMart. Tiếp đó, cuối năm 2019, Vingroup cũng rút khỏi mảng bán lẻ siêu thị sau khi chuyển giao Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vin-Commerce và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất nông nghiệp (VinEco) vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan.

Một thương hiệu bán lẻ khác của Pháp - Auchan, cũng đóng cửa siêu thị ở Việt Nam năm 2019, sau 4 năm hoạt động và phát triển được 18 siêu thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được hãng A.T.Kearney xếp hạng là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ thứ 6 trên toàn cầu. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020, dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 song tổng mức bán lẻ của Việt Nam tăng mạnh hai con số. 2 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn ước tính đạt 722,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng mức và tiếp tục tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, sự thành bại của doanh nghiệp bán lẻ nằm ở chiến lược kinh doanh, bên cạnh đó là tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại. Cũng không loại bỏ việc tích hợp hệ sinh thái bán lẻ hoặc kết hợp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa sự phát triển, tận dụng thế mạnh của cả hai bên, hướng tới cung cấp nhiều trải nghiệm, sản phẩm tốt, tiện lợi, giá phù hợp cho người tiêu dùng.

Nhận định về thị trường bán lẻ năm 2021, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam - cho rằng, các siêu thị muốn thu hút khách phải kết hợp giữa hình thức mua sắm và vui chơi, giải trí. Ngược lại, các siêu thị nhỏ lại trở thành nơi mua sắm thực phẩm hàng ngày. Đây cũng chính là mô hình thành công tiêu biểu của các kênh bán lẻ vẫn còn bám trụ tại thị trường Việt Nam.

Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, Việt Nam được đánh giá tiếp tục là thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng. Nếu duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao này, chỉ 2 năm nữa, thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD.
Nguồn: Congthuong.vn