• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thị trường đồ dùng, phụ kiện sôi động đón chào mùa du lịch
Năm nay, thị trường các sản phẩm đồ dùng, phụ kiện có xu hướng phục vụ nhu cầu du lịch dã ngoại trải nghiệm, khám phá những địa điểm mới lạ (Nguồn: congthuong.vn)

Thị trường đồ dùng, phụ kiện sôi động đón chào mùa du lịch

(Cập nhật: 18/04/2022)
Mùa du lịch cận kề cũng là thời điểm mà người dân chuẩn bị mua sắm những đồ dùng và phụ kiện cá nhân cần thiết, để sẵn sàng tận hưởng một kỳ nghỉ trọn vẹn với gia đình và bạn bè.
 


Sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch vào ngày 15/3, hoạt động du lịch trên cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch đã dần sôi động trở lại.

Để đón mùa cao điểm du lịch nội địa, thị trường đồ dùng, phụ kiện du lịch cũng chuẩn bị các mẫu mã sản phẩm đa dạng để phục vụ người tiêu dùng.

Đồ dùng du lịch trải nghiệm lên ngôi

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, nhiều tín đồ của du lịch có xu hướng tìm đến những nơi có tính chất cô lập để tăng sự trải nghiệm: Có thể là vùng nông thôn yên tĩnh, là vùng núi cao hay những hòn đảo, bãi biển chưa được khai thác du lịch, mang đến sự yên tĩnh và cảm giác an tâm đối với nhiều người.

Bạn Nam Anh, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, chia sẻ để chuẩn bị cho chuyến cắm trại cùng nhóm bạn vào tháng Sáu năm nay với điểm đến là núi Pác Tạ (tỉnh Tuyên Quang), cả nhóm đã lập danh sách chi tiết những đồ dùng cần mua từ túi đựng đồ cá nhân, túi đựng thuốc, gel tăng lực cho đến lều bạt, đèn pin hay ổ sạc di động..., đồng thời tìm hiểu thêm về các kiến thức leo núi trên các diễn đàn mạng xã hội.

Không có kế hoạch khám phá trải nghiệm leo núi như nhóm bạn trên, gia đình chị Thuỳ Chi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm nay có dự định nghỉ mát tại bãi biển Mỹ Khê (thành phố Đà Nẵng). Tuy nhiên, gia đình chị vẫn có nhu cầu mua sắm thêm các sản phẩm, đồ dùng du lịch mới: “Chuyến đi này tôi phải mua thêm đồ dùng mới bởi trong quãng thời gian hoạt động du lịch đóng cửa, gia đình tôi đã thanh lý hầu hết các loại đồ dùng du lịch. Bên cạnh đó, gia đình cũng muốn mua thêm một số đồ dùng để các con thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ,” chị Chi cho biết.

Tại nhiều hệ thống cửa hàng kinh doanh các sản phẩm, thiết bị du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội, lượng khách hàng tìm mua đồ dùng, phụ kiện chuẩn bị cho du lịch đã tăng từ 2-3 lần so với những tháng trước.

Chị Hằng, nhân viên quản lý cửa hàng Đồ du lịch FanFan, địa chỉ 76 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết từ đầu tháng Tư, mỗi ngày cửa hàng tiếp nhận từ 15-20 đơn hàng, chủ yếu là dòng sản phẩm du lịch trải nghiệm như ba lô, túi ngủ, bàn ghế gấp gọn và các trang phục dã ngoại, với phân khúc giá dao động trong khoảng từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/sản phẩm.

“Phần lớn đồ dùng, phụ kiện du lịch trên thị trường hiện nay là sản phẩm đến từ các thương hiệu nước ngoài, có thể kể đến là MSquare (Nhật Bản), GO&Fly (Đài Loan), NatureHike (Trung Quốc) hay Eagle Creek (Mỹ),... Tuy nhiên, thương hiệu Madfox của Việt Nam hiện đang phát triển đa dạng về chủng loại sản phẩm như lều, túi ngủ, trang phục đi dã ngoại hay các phụ kiện như thảm picnic, túi khô, áo mưa…, dần từng bước chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng,” chị Hằng cung cấp thông tin.

Xu hướng chọn mua sản phẩm tiện lợi

Theo đánh giá của đại diện các cửa hàng kinh doanh sản phẩm và thiết bị du lịch, tuy năm nay giá các sản phẩm không có nhiều biến động, song việc nhập hàng từ các đại lý phân phối gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bất chấp tình trạng khan hàng, nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng chờ đợi thời gian lâu hơn để mua được những sản phẩm chất lượng và đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng.

“Năm nay, các đồ dùng có thể gấp gọn, thể hiện tính linh hoạt và tiện lợi được nhiều khách hàng tìm mua. Những sản phẩm như bếp nướng, bộ thìa dĩa hay bàn ghế gấp gọn luôn nằm trong nhóm đầu các loại đồ dùng du lịch được đặt nhiều nhất của đại lý,” chị Vũ Thị Huê, nhân viên quản lý cửa hàng Đồ du lịch Outdoorgear, địa chỉ 352 Giải Phóng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.

Một số sản phẩm phổ biến khác như ổ sạc đa năng có giá từ 100.000-700.000 đồng/chiếc; túi và hộp đựng thuốc cá nhân có giá từ 150.000-700.000 đồng/chiếc; các loại khoá vali có giá từ 100.000-200.000 đồng/chiếc; gối kê cổ (gối chữ U) có giá dao động từ 250.000 đồng đến 1 triệu đồng/chiếc; các loại ba lô du lịch gấp gọn có giá từ 400.000 đồng đến 2 triệu đồng/chiếc; đèn pin du lịch có giá từ 455.000 đồng đến 2 triệu đồng/chiếc; pin và sạc dự phòng dao động từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/chiếc...

Bên cạnh việc đẩy mạnh kinh doanh trên các nền tảng bán hàng online, để đáp ứng phục vụ đủ nhu cầu của khách hàng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, các cửa hàng cũng triển khai chương trình khuyến mãi, miễn phí vận chuyển với các đơn hàng từ 500.000 đồng trở lên, cùng nhiều ưu đãi giảm giá 20-40% các sản phẩm mùa du lịch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm.

Ngoài ra, thị trường các sản phẩm đồ dùng, phụ kiện du lịch trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội cũng sôi động với nhiều mẫu mã và chủng loại, kèm theo nhiều mã giảm giá để khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần chủ động nghiên cứu thị trường, tham khảo thêm thông tin trên các diễn đàn, từ đó lựa chọn được các sản phẩm của những thương hiệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng, để tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm trong mùa du lịch./.

Nguồn: TTXVN