• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Người nông dân cần đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp để tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP và EVFTA

Người nông dân cần đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp để tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP và EVFTA

(Cập nhật: 02/12/2019)

Trong năm 2018 và 2019, Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất từ trước đến nay là Hiệp định đối tác toàn diệ và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). 

Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, việc ký kết thành công CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam nói chung cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp, thương mại nông nghiệp nói riêng, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài. Qua đó, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người. Theo lộ trình của hai hiệp định này, phần lớn hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên sẽ hưởng thuế ưu đãi. Cụ thể, với CPTPP, hầu hết hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm, ví dụ như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô...

Với EVFTA, hiệp định sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Có thể nói, cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Bên cạnh cơ hội, các FTA cũng đem tới những thách thức không nhỏ đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản bởi trong thực tế cho thấy, khi hàng rào thuế quan không còn thì các nước sẽ thay thế bằng hàng loạt hàng rào phi thuế quan. Khi đó, nông sản Việt Nam buộc phải mở rộng cả về quy mô số lượng và chất lượng để phục vụ thị trường xuất khẩu và giữ vững thị trường trong nước, đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa cũng như chất lượng sản phẩm.

Có thể nói việc tham gia vào các FTA đã tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ, môi trường kinh doanh thuận lợi, đưa đến cơ hội rõ ràng cho doanh nghiệp và người sản xuất. Trong khi đó, để có thể tận dụng được những cơ hội để thâm nhập, mở rộng và phát triển, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị nông sản và nâng cao năng suất, giá trị và tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm thì không chỉ đòi hỏi các doanh nghiệp mà ngay chính những người nông dân cũng cần đổi mới nhận thức, tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu sang tư duy sản xuất hàng hóa lớn, tăng giá trị sản phẩm. Cụ thể là sự đổi mới tư duy, nhận thức trong tất cả các khâu sản xuất từ cách trồng, chăm sóc, chế biến đến bảo quản sản phẩm, phương thức canh tác, liên kết áp dụng tiến bộ kỹ thuật hướng đến sảnxuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu.

Trong đó, liên kết nông dân với doanh nghiệp và các hợp tác xã trong chuỗi giá trị được đánh giá là một trong những con đường tất yếu, là giải pháp, động lực để phát triển nền sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong chuỗi giá trị chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Nếu như trước đây, hầu hết nông dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ theo hình thức tự cung tự cấp, sản phẩm dư thừa đem bán cho các thương lái với giá bấp bênh, thì nay đã có xu hướng chuyển dịch sang hình thức sản xuất hàng hóa, chủ động nghiên cứu, phân tích, tìm kiếm thị trường, thực hiện liên kết tiêu thụ giữa người sản xuất và người thu mua, góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, tại Diễn đàn nông dân quốc gia với chủ đề “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới” diễn ra ngày 11/10/2019 do Bộ Công Thương phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện, các chuyên gia đã nhận định rằng, trong 50.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp thực chất mới chỉ có 1.000 doanh nghiệp trực tiếp liên kết với nông dân phát triển sản xuất; tương tự như vậy chỉ có khoảng 1.000 hợp tác xã có mô hình liên kết với nông dân. Trong đó, đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết là các doanh nghiệp yêu cầu sản xuất hàng nông sản chất lượng cao hoặc đạt chứng chỉ quốc tế để có giá bán cao, đủ bù đắp các chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra khi liên kết. Quy mô các doanh nghiệp, hợp tác xã và sản phẩm này còn rất hạn chế; việc hợp tác, liên kết sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức nên chưa hấp dẫn để thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia; nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi trên cơ sở phát huy lợi thế chưa trở thành phổ biến; thiếu giải pháp thực hiện hiệu quả, nhất là với khâu kết nối thị trường đang còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, các vấn đề về môi trường, công nghiệp phụ trợ... Do đó, việc giải phóng tư duy cho người nông dân từ “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả rõ nét. Để hướng đến mục tiêu cuối cùng trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Đảng, Nhà nước đang nỗ lực thực hiện là để người nông dân có thể sống tốt trên mảnh đất của mình, cần triển khai các giải pháp hữu hiệu, tác động từ nhiều phía không chỉ đến người nông dân, mà còn là nhà quản lý và hoạch định chính sách, cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là phải có sự hài hòa lợi ích, bình đẳng, cùng chia sẻ giữa các bên trong việc liên kết tiêu thụ sản xuất.

Nguồn: Bản tin Thị trường sản phẩm nông nghiệp số 21.2019