• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Mười năm, ba mặt trận và ‘bó đuốc’ đại đoàn kết

(Cập nhật: 28/04/2020)
(Chinhphu.vn)- Bước vào năm cuối chặng đường 10 năm, đất nước mở mặt trận thứ ba chiến đấu với đại dịch cùng lúc với mặt trận chống tham nhũng, mặt trận phát triển kinh tế. Mười năm, ba mặt trận và chung “bó đuốc” đại đoàn kết trên cung đường Tổ quốc mùa Xuân.


Dẫu đã qua gần 10 năm, nhưng người dân Mường Lát (Thanh Hóa) có lẽ không quên hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hiền hậu và giản dị, bỏ qua tất cả nghi lễ đón tiếp Lãnh đạo Đảng, đi thẳng đến Mường Lát vào đúng ngày Tết Độc lập 2/9/2011.

Lúc đó, có một tình huống khá bất ngờ khi Tổng Bí thư đến thăm gia đình ông Lộc Văn Mồn, một gia đình chính sách ở bản Sáng, xã Quang Chiểu. Đó là, một cháu bé chỉ chừng 3 tuổi cố len lỏi bằng được qua các bà, các ông, sà đến ngồi trong lòng Tổng Bí thư.

Ôm cháu bé trong lòng, câu hỏi trở đi trở lại của Tổng Bí thư là, Mường Lát nghèo, Mường Lát khó thì đúng rồi (cả 8 xã của huyện thuộc diện nghèo). Nhưng vì sao Mường Lát nghèo? Đất nước độc lập 66 năm, hòa bình đã hơn 30 năm, tỉnh Thanh Hóa tập trung xây dựng khá quyết liệt mà tại sao Mường Lát vẫn nghèo, vẫn khó? Làm thế nào để Mường Lát thoát khỏi diện huyện nghèo?

Các câu hỏi đó càng khiến Người đứng đầu Đảng nung nấu quyết tâm “đại chiến” với tham nhũng. Và Tổng Bí thư đã giúp cho không chỉ Mường Lát mà cả đất nước tiến nhanh trên con đường thoát nghèo khi phát động và lãnh đạo công cuộc chỉnh đốn Đảng, chống “giặc” nội xâm kể từ Tết Độc lập ấy, liên tục, bền bỉ, thăng trầm trong suốt thập kỷ qua.

Theo đó, tại Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012, 94,98% đại biểu đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với nội dung mới nổi bật là thay thế mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu bằng việc lập Ban Chỉ đạo Trung ương thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban.

Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Trực tiếp đứng đầu Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “chống tham nhũng không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ”.

Cuộc chiến này đã và đang trải qua những ngày tháng không hề ngơi nghỉ, càng làm càng quyết liệt hơn, đi vào chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn. Từ Đại hội Đảng XII (tháng 1/2016) đến nay đã ghi dấu ấn đặc biệt quan trọng của cuộc chiến này.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận xét, “từ Đại hội Đảng XII dấy lên sự hy vọng trong toàn Đảng, toàn dân về sự trở lại của niềm tin của Dân với Đảng, với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước”.

Kể từ tháng 1/2016 đến nay đã có gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 2 Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng…

Dự kiến quý I/2021, Đảng sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Trên mặt trận chống tham nhũng, dù hoàn cảnh khó khăn thế nào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng luôn khẳng định, “chúng ta không thể thất hứa với dân, không thể làm dân thất vọng”.

Tương tự trên mặt trận kinh tế, cũng phải đến sau Đại hội Đảng XII mới thoát khỏi tình trạng trầy trật và bắt đầu ghi dấu ấn mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu, các kỷ lục liên tục được phá vỡ qua các năm.

GDP năm 2019 ở mức cao hàng đầu thế giới, cả hai năm 2018, 2019 đều vượt ngưỡng 7%. Lần đầu tiên, năm 2016 đạt được 110 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, năm 2017 kỷ lục này bị phá vỡ với 126,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tương tự, năm 2018 phá vỡ kỷ lục của năm 2017 với con số đạt được của năm 2018 là 131,3 nghìn. Năm 2019 đạt trên 138,1 nghìn…

Một điểm sáng nổi bật là giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều năm 2019 giảm còn dưới 4%, giảm hơn 13 lần so với thời điểm năm 1992 (năm 1992 tỷ lệ đói nghèo là 53%). Xét về quy mô dân số gần trăm triệu dân thì Việt Nam đã làm nên  cuộc vượt đói nghèo mang tính lịch sử ở tầm thế giới.

Tại cuộc họp báo chung của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi vào tháng 12 năm ngoái, bà Aung San Suu Kyi “vô cùng ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam đạt được. Tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam là một thành tựu đáng kinh ngạc”.

Ngay cả lúc này, khi nền kinh tế trong và ngoài nước lao đao vì đại dịch, Đảng và Nhà nước vẫn nỗ lực để bảo đảm thành tích giảm nghèo chỉ bị tổn thương ở mức thấp nhất. Gói cứu trợ 62 nghìn tỷ đồng dành cho công việc này được triển khai tức thời, nhằm đến tận cùng ngõ ngách của những người yếu thế nhất.

Thủ tướng luôn thấy những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới đòi hỏi mọi sự nỗ lực đều không có điểm dừng khi ông đặt ra câu hỏi: “Tại sao một đất nước Việt Nam anh hùng mà chưa vươn lên được để trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Đến giờ, thu nhập người dân còn dưới 3.000 USD/người? Đó là câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta”, người đứng đầu Chính phủ trăn trở, “nếu đã cố gắng trở thành anh hùng, thì lúc này càng là lúc vươn lên vượt khó, trở thành quốc gia giàu có. Vấn đề chỉ còn là chúng ta có đủ bản lĩnh, đủ quyết tâm hay không”!

Với mặt trận chống đại dịch, dù không có trong kịch bản, nhưng Việt Nam đã làm được điều mà nhiều quốc gia ngưỡng mộ, như khái quát của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, “nếu không có hệ thống chính trị như đất nước ta thì có làm được như thế không?”.

Đại dịch còn được ghi nhớ không phải bởi những mất mát nó mang lại cho nền kinh tế mà là dấu ấn của “truyền thống yêu nước nồng nàn, những nghĩa cử cao đẹp của lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, Người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhắc đến đầy xúc động khi ông chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc vào thứ Năm tuần trước.

Cũng như mặt trận chống tham nhũng và mặt trận phát triển kinh tế, mặt trận chống đại dịch trở thành nơi bùng cháy lên ngọn lửa đại đoàn kết. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn “bó đuốc” đại đoàn kết tiếp tục rực sáng đường đến Đại hội XIII và trên mọi cung đường phát triển của Tổ quốc.

Nguồn:Chinhphu,vn