• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Lợi ích từ dừa hữu cơ
Vườn dừa hữu cơ của ông Đoàn Văn Tâm (bên trái) ở xã Hương Mỹ.

Lợi ích từ dừa hữu cơ

(Cập nhật: 15/07/2019)

Số lượng vườn dừa thực hiện quy trình canh tác hữu cơ ở huyện Mỏ Cày Nam đang tăng nhanh. nông dân huyện Mỏ Cày Nam lại thích thú với trồng dừa hữu cơ.

Lợi ích của trồng dừa hữu cơ

 

Mỏ Cày Nam là huyện có diện tích trồng dừa đứng thứ nhì cả tỉnh (chỉ sau huyện Giồng Trôm), với gần 17.000ha. Dừa cũng là một trong hai sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, do đó trong nhiều năm liền, huyện Mỏ Cày Nam không ngừng đẩy mạnh phát triển hoàn thiện chuỗi giá trị ngành dừa.

 

Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp được các địa phương tích cực triển khai. Đến nay, huyện có trên 1.000 vườn dừa đang thực hiện quy trình canh tác hữu cơ (chỉ tiêu năm 2019 là phát triển 100 vườn dừa). Hiện có 631 vườn dừa, với diện tích 485,6ha được chứng nhận hữu cơ, giá bán sản phẩm dừa trái tăng từ 10 - 20%.

 

Giá bán dừa hữu cơ luôn được doanh nghiệp thu mua cao hơn với thị trường khiến người nông dân phấn khởi. “Trong khi giá ngoài thị trường thu mua là 35.000 đồng/chục, thì dừa hữu cơ nhà tôi bán với giá 55.000 đồng/chục, cây lại sai trái quá chừng”, ông Đoàn Văn Tâm, ngụ ấp Thạnh Tây, xã Hương Mỹ nói. Năm 2015, ông Tâm bắt đầu trồng dừa hữu cơ. “Khâu chăm sóc dừa hữu cơ lắm vất vả, nào là xét nghiệm đất, làm cỏ sạch sẽ, không để đất quá ẩm sẽ làm nứt mầu dừa. Tới tháng mưa phải coi chỗ nào ứ mà khai nước ra liền. Tháng nắng thì đặt bọng để bơm nước vô vườn tưới dừa, hồi nào nước cũng đầy đủ trên vườn mới được”, ông Tâm chia sẻ kinh nghiệm.

 

Theo ông Tâm, khâu cực nhất là ủ phân hữu cơ. Do cả xóm chỉ mỗi nhà ông trồng dừa hữu cơ nên phải tự mua phân từ huyện Châu Thành về ủ; lại có thêm cuốn sổ nhật ký canh tác để tiến hành ghi chép các hoạt động trên vườn dừa. Tuy vất vả nhưng có lợi, chỉ vài năm chuyển qua trồng dừa hữu cơ, 7,2 công dừa nhà ông Tâm thu hoạch được hơn 2,1 ngàn trái, năng suất cao hơn 30% so với khi dùng phân hóa học. Ngắm vườn dừa 14 năm tuổi, ông Đoàn Văn Tâm nói: “Tháng này nhiều vườn dừa ở đây treo trái mà mấy quày dừa nhà tôi trái đều đặn, trái to, không bị móp mầu, quầy dừa thì sai trái, công sức làm dừa hữu cơ thật không uổng”.

 

Góc nhìn của huyện

 

Được biết, một số tiêu chuẩn xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ bao gồm: không sử dụng phân hóa học, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, không chăn thả gia súc, gia cầm trên vườn dừa và không sử dụng cầu cá trong vườn dừa. Thay vào đó, nguồn dinh dưỡng cho vườn dừa được sử dụng từ các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh.

 

Thực phẩm hữu cơ là một trong những xu hướng tiêu dùng được ưa chuộng nhất hiện nay và đang được các nhà sản xuất trên thế giới hướng tới. Theo Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, địa bàn chủ lực để phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ phân bố ở 4 huyện có diện tích, sản lượng và chất lượng đứng đầu tỉnh Bến Tre, đó là Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú. Bên cạnh đó,  công ty cũng đảm bảo thu mua mức giá dừa trái hữu cơ với các nông hộ canh tác theo đúng tiêu chuẩn cao hơn thị trường từ 5 - 20%. Được biết, từ năm 2015, vùng nguyên liệu dừa hữu cơ của công ty ban đầu từ 400ha với sản lượng 6 triệu trái/năm, đến nay đã phát triển trên 2.900ha với sản lượng tương đương 41 triệu trái/năm.

 

Tại buổi họp mặt doanh nghiệp lần 4 diễn ra cuối tháng 6-2019, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ quan điểm của huyện trong việc giảm đàn heo và không phát triển vườn dừa hữu cơ một cách ồ ạt: “Nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo thì rất khó làm vườn dừa hữu cơ. Do đó, để phát triển vườn dừa hữu cơ thì cần phải giảm đàn heo và tính toán lại hướng đi cho thương hiệu “Con heo Mỏ Cày Nam” như chăn nuôi an toàn sinh học, quy hoạch theo vùng và hạn chế quy mô nhỏ lẻ. “Tôi cho rằng, không nên phát triển vườn dừa hữu cơ quá nhiều, mà cần đảm bảo theo lượng cung cầu và bao tiêu từ doanh nghiệp, mà nền tảng là nâng diện tích vườn dừa hữu cơ từ các hợp tác xã lên” - Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh.

Nguồn: baodongkhoi.vn