• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Kinh tế tuần hoàn ngành dừa

Kinh tế tuần hoàn ngành dừa

(Cập nhật: 10/09/2021)

BDK - Bến Tre xác định dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh. Cây dừa có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh hiện có gần 200 ngàn hộ dân trồng dừa, với diện tích trên 72 ngàn héc-ta. Cây trồng cho sản lượng khoảng 645 ngàn tấn/năm. Nhằm tận dụng tối đa và hiệu quả nguồn tài nguyên địa phương, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) trong ngành dừa đang tái sử dụng, tái chế, thu hồi phụ phẩm. Phụ phẩm, chất thải của ngành này là nguyên liệu đầu vào của ngành kia.


Đa dạng sản phẩm từ dừa

Từ nguyên liệu cơm dừa, nhiều nhà máy trong tỉnh đã ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại để vắt ép lấy nước cốt dừa làm nguyên liệu sản xuất sữa dừa được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm, phục vụ ngành du lịch và dịch vụ.

Hay đối với các cơ sở, DN sản xuất kẹo dừa, sau khi dùng nước cốt dừa để làm kẹo dừa, phần phụ phẩm là xác cơm dừa vốn sẽ được loại bỏ đi. Nhưng hiện nay, Công ty TNHH Vĩnh Tiến đã sử dụng luôn phần phụ phẩm này, kết hợp với các phụ liệu tạo ra sản phẩm bánh hoa dừa, với nhiều hương vị tự nhiên, đặc trưng định hình thương hiệu riêng biệt, cho giá trị cao để xuất khẩu…

Trước đây, nước dừa già thường được bỏ trong quá trình sản xuất cơm dừa. Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, Phường 8, TP. Bến Tre là một trong những DN đầu tiên của tỉnh nghiên cứu ra sản phẩm mới là thạch dừa thô, thạch dừa dùng trong thực phẩm, đồ uống mà nguồn nguyên liệu đầu vào 100% là nước dừa già. Nhờ đó, góp phần tận dụng ngày càng triệt để phần nước dừa dư thừa trong quá trình sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Qua hơn chục năm nghiên cứu phát triển, từ nước dừa già, Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long đã sáng chế ra khoảng 22 sản phẩm mới, giá trị gia tăng gấp bội lần. Trong đó, có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: mặt nạ dừa, giấy dừa. Mới đây nhất, ống hút dừa đã thu hút sự quan tâm của các nước châu Âu và Mỹ. Hiện công ty đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất ống hút dừa để tập trung xuất khẩu mặt hàng này, bình quân 100 ngàn ống/tháng.

“Ban đầu, công ty chưa nghĩ đến lợi nhuận, vì chi phí đầu tư sản xuất thủ công khá cao nên mục tiêu chủ yếu hướng đến phục vụ cộng đồng, giới thiệu cho mọi người biết, sử dụng để thay thế một phần sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần. Giá ống hút tương đương các loại ống hút cỏ, ống hút tre... Nhưng kết quả phấn khởi là ống hút dừa trong ngày đầu ra mắt đã được sự hưởng ứng, đón nhận nồng nhiệt của đông đảo người tiêu dùng và các đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt là khách hàng từ châu Âu, Mỹ”, bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long cho hay.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành đã thay đổi công nghệ sản xuất cũ bằng giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tận dụng khai thác tối đa nguồn nguyên liệu đầu vào, sử dụng phụ phẩm của mặt hàng sữa dừa để làm ra sản phẩm khác là nước dừa giải khát đã giúp DN từ một đơn vị có quy mô nhỏ đã đạt mục tiêu vươn tới DN “ngàn tỷ đồng”, trở thành một trong những DN dẫn đầu ngành dừa tỉnh.

“Nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất với công suất từ 4 - 12 ngàn lít nước dừa/giờ, chúng tôi đã tận dụng triệt để hàng trăm ngàn lít nước dừa già được thải ra trong quá trình sản xuất để sản xuất nước dừa đóng hộp xuất khẩu”, ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công TNHH Chế biến dừa Lương Quới chia sẻ.

Khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn

Hiện tại, tỉnh đã nghiên cứu thành công, áp dụng rộng rãi mô hình xử lý rác thải hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến mụn dừa, bã dừa, mạt than, chỉ xơ dừa vụn… Qua đó, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm mụn dừa, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị cây dừa.

Công ty TNHH MTV Tự động hóa Tùng Phát, xã Hữu Định, huyện Châu Thành là một trong những DN trẻ của tỉnh đã khởi nghiệp từ giải pháp tận dụng tài nguyên dừa tại địa phương. Tận dụng gỗ dừa, gáo dừa thải ra từ trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày tại địa phương, công ty này đã sản xuất hàng trăm mặt hàng khác nhau để xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Tự động hóa Tùng Phát Lê Thị Huế My cho biết: “Công ty xuất khẩu bình quân khoảng 800 ngàn sản phẩm/tháng. Thành công này nhờ vào sự đón đầu và nắm bắt cơ hội các nước tiên tiến trên thế giới đang có xu thế loại bỏ sản phẩm nhựa dùng 1 lần để chuyển sang ưu tiên dùng các sản phẩm từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường…”.

Cây dừa và các sản phẩm từ dừa còn được sử dụng trong một số lĩnh vực khác, cơ bản đáp ứng mô hình của kinh tế tuần hoàn như: ngành xây dựng, kỹ nghệ chế tác, mỹ phẩm... có khả năng thu hồi và tái chế. Các sản phẩm từ dừa phục vụ cho ngành xây dựng rất đa dạng như: cột trụ, xà gỗ, ván gỗ, ván lót sàn nhà; vách ngăn, vật liệu cách âm, nhà gỗ dừa... Các sản phẩm chế tác từ gỗ dừa và gáo dừa rất phong phú từ đồ nội thất, các sản phẩm nhà bếp đến khăn, giấy có khả năng thay thế sản phẩm được sản xuất bằng vật liệu nhựa, túi nylon.

Giải pháp hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp dừa cần có sự đồng bộ về nhận thức, nguồn lực, chính sách, đặc biệt là liên kết. Việc liên kết “4 nhà” sẽ thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu giải pháp tái chế, tái sử dụng sản phẩm, tạo sản phẩm mới. Đồng thời, thúc đẩy DN phát triển bền vững, từng bước nâng cao vai trò, vị thế ngành dừa của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh.

Từ nguyên liệu dừa, cộng đồng doanh nghiệp Bến Tre đã sản xuất được hơn 500 loại sản phẩm từ thông dụng đến cao cấp. Xuất khẩu hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần nâng cao giá trị, vai trò của cây dừa trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là thực dưỡng và dược phẩm.
Nguồn: baodongkhoi.vn