• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ tình trạng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu

Đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ tình trạng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu

(Cập nhật: 04/11/2019)

Từ tháng 9 đến đầu tháng 10/2019 là thời điểm cuối cùng thu hoạch thanh long chính vụ. Vào thời điểm này, giá thanh long dao động quanh mức 7.000 – 10.000 đồng/kg – mức giá này cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam vẫn là Trung Quốc (chiếm khoảng 92%). Ngoài ra, một lượng ít thanh long được trồng ở các vườn VietGAP, GlobalGAP được xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Australia hay Nhật Bản. 

Mặc dù là mặt hàng trái cây xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên giá bán và đầu ra của trái thanh long vẫn bấp bênh và biến động liên tục do phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Trong những tuần gần đây, ngay tại thời điểm chính vụ thu hoạch mặt hàng thanh long để tiêu thụ và xuất khẩu, đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó chủ yếu là mặt hàng thanh long tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - cửa khẩu chủ yếu xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai).

Nguyên nhân chính của tình trạng ùn ứ này là do từ ngày 15/10/2019, lượng hàng hóa dồn về hai cửa khẩu trên tăng nhanh, chủ yếu là mặt hàng thanh long và một số mặt hàng nông sản khác từ các tỉnh như: Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh... Mặt khác, từ ngày 12/10/2019, lực lượng hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số 1 đối với phương tiện ô tô tại cổng xe nhập cảnh, kể cả xe không hàng và xe có hàng của Việt Nam.

Trước tình trạng này, các đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã trực tiếp đến cửa khẩu Tân Thanh để hỗ trợ cho công tác giải phóng các xe hàng đang dồn ứ tại đây.

Trong khi đó, bên cạnh các công tác khắc phục trước mắt để hỗ trợ các chủ xe, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã tích cực trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc đề nghị đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, không kiểm tra tại cổng cửa khẩu. Đồng thời, tỉnh đã đề nghị cơ quan hải quan Trung Quốc kéo dài thời gian làm thủ tục đến 19h30 trong thời gian này và đang đàm phán nới đến 21h để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao các cơ quan chức năng tiếp tục gặp gỡ, trao đổi với phía nước bạn để tháo gỡ vướng mắc, đề nghị phía Quảng Tây, Trung Quốc phải có lộ trình và có thông báo trước khi áp dụng các phần mềm mới trong quản lý xuất nhập cảnh; thông tin khuyến cáo đến các tỉnh có nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh để phối hợp điều tiết hợp lý lượng hàng hóa lên cửa khẩu này.

Tại cửa khẩu Kim Thành, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu như: Hải quan, Kiểm dịch thực vật và Biên phòng đã cùng phối hợp đẩy nhanh thủ tục và tốc độ thông quan các xe chở thanh long, đồng thời trao đổi với phía Trung Quốc nhằm tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật để đẩy nhanh tốc độ và tăng lưu lượng thông quan xe chở thanh long qua cửa khẩu.

Nhờ sự phản ứng kịp thời của các sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn, lực lượng liên ngành tại cửa khẩu Kim Thành và chỉ đạo tích cực của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng ùn ứ nông sản, nhất là đối với các xe chở thanh long đã được tháo gỡ kịp thời.

Trong thực tế, đối với mặt hàng trái cây, Trung Quốc đã áp dụng các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc từ rất lâu đối với các nước khi xuất khẩu vào thị trường này, trong đó có các nước ASEAN. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, do đặc thù về thương mại biên giới lâu đời với Trung Quốc, nên nhìn chung Trung Quốc đã áp dụng các quy định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm với Việt Nam muộn hơn so với các nước ASEAN.

Cụ thể, tới năm 2018, phía Trung Quốc mới chính thức có thông báo đề nghị việc bắt buộc phải triển khai đóng gói, cung cấp các thông tin truy xuất nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam. Theo phụ lục hướng dẫn về tem nhãn truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc, 8 loại trái cây đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, trên thùng sản phẩm phải ghi những thông tin gồm: Tên tổ chức xuất khẩu; chủng loại hoa quả; tên nhà vườn hoặc số đăng ký (tức mã số vùng trồng); tên xưởng đóng gói hoặc số đăng ký (tức mã số cơ sở đóng gói).

Tuy nhiên, mặc dù những quy định mới của phía Trung Quốc đã được các ngành chức năng của Việt Nam phổ biến từ năm 2018 đến nay, nhưng chưa được các doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ sở thu mua và người nông dân thực sự chú ý, quan tâm thực hiện, dẫn đến tình trạng hàng nhiều nhưng xuất khẩu gặp khó khăn.

Do đó, để không tái diễn cảnh thanh long nói riêng cũng như hàng hóa nông sản nói chung bị dồn ứ tại cửa khẩu, đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được thuận lợi, tránh thiệt hại cho thương nhân và người dân, đặc biệt là trong giai đoạn một số mặt hàng trái cây khác của Việt Nam đang bước vào chính vụ, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý, bản thân các doanh nghiệp, thương nhân cần chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhập những yêu cầu của thị trường xuất khẩu như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại...

Trong dài hạn, để hướng đến xuất khẩu bền vững đến tất cả các thị trường bao gồm cả thị trường Trung Quốc, các địa phương trong nước cần tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, thương nhân; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến và xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng.

Nguồn: Bản tin thị trường sản phẩm nông nghiệp số 20 năm 2019