• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bộ Công Thương: Dồn tổng lực, thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch Covid-19
Đầu ra gặp khó khăn, giá dưa năm nay giảm 1/2 so với năm trước

Bộ Công Thương: Dồn tổng lực, thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch Covid-19

(Cập nhật: 01/06/2021)
Dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát khiến nhiều địa phương, khiến nông sản rơi vào tình trạng ế ẩm, lo ngại đầu ra, đặc biệt là quả vải thiều Bắc Giang đã vào vụ thu hoạch. Tổng lực ra quân, khơi thông đầu ra cho nông sản nói chung và trái vải thiều Bắc Giang nói riêng đã và đang được Bộ Công Thương triển khai trên tất cả các mặt trận.
 


Nông sản vùng dịch lo tắc đầu ra

Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Dũng (Bắc Giang) và các xã, thị trấn còn khoảng gần 2.000 tấn dưa hấu, dưa lê… đã đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên các hộ nông dân, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Nhung - Giám đốc HTX Sao Thần Nông (huyện Yên Dũng) - chia sẻ: hiện nay, do nằm trong vùng dịch, phải cách ly, phong tỏa nên các thương lái không thể về địa bàn thu mua. Đồng thời, do tuân thủ việc phòng chống dịch nên người nông dân cũng không thể tự mang dưa đi bán ở các địa bàn khác. Đầu ra gặp khó khăn, giá dưa năm nay giảm 1/2 so với năm trước. Nếu như năm 2020, bà con nông dân bán dưa hấu cho thương lái tại ruộng dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg thì nay còn 6.000 đồng/kg. Tương tự, dưa lê giảm từ 15.000 đồng/kg xuống còn 8.000 đồng/kg.

Thương lái hiện vẫn rất ngại vào địa bàn có dịch để mua hàng. Ở trong vùng dịch, HTX tìm phương tiện vận chuyển cũng rất khó. Ông Vi Anh Tuấn - Giám đốc HTX Dứa Lục Nam (Bắc Giang) cho biết, với tình hình này, nếu không đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ thì dứa sẽ xuống nước, hư hỏng.

Đáng chú ý, với sản lượng vải thiều của Bắc Giang lên tới 180.000 tấn, trong khi dịch bệch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mặc dù địa phương đã xây dựng các kịch bản cụ thể, nhưng dự báo việc tiêu thụ vẫn nhiều khó khăn, nhất là khi các thương nhân Trung Quốc không sang trực tiếp Bắc Giang để mua hàng. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đã đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước và xuất khẩu.

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản - ưu tiên số 1

Để bảo đảm mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông để tiêu thụ tại thị trường trong nước sản lượng lớn các mặt hàng nông sản của các địa phương (sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn) đã, đang và sắp vào vụ thu hoạch được kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 theo dự báo còn diễn biến khó lường, ngày 25/5/2021 Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, UBND các tỉnh, Sở Công Thương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương.

Cũng trong ngày 25/5, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang bàn về vấn đề tiêu thụ nông sản, đặc biệt là quả vải thiều. Tại Hội nghị, Bộ Công Thương cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho người nông dân, doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang về tiêu thụ nông sản, kết nối cung ứng hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp.

Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương: “Tiêu thụ vải thiều Bắc Giang hay Hải Dương, hỗ trợ bà con nông dân, đã, đang và sẽ luôn luôn là ưu tiên số một của Bộ". Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với địa phương, trên tất cả các kênh để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho người nông dân.

Cũng tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị: Bắc Giang cần làm đúng theo hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch theo công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 1/3/2021 mà Bộ Công Thương đã gửi UBND các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ, vận chuyển nông sản, tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh diễn ra chiều ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tháng 3/2021 khi dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương, Bộ đã ban hành quy trình thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản ở vùng đang có dịch Covid-19. Tuy nhiên, về quy trình vận chuyển hàng hóa từ vùng đang có dịch thì do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.

Bộ Công Thương: Dồn tổng lực, thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch Covid-19
Vải thiều sau khi được nông dân cắt sẽ vận chuyển về trụ sở Cục Quản lý thị trường Bắc Giang để trung chuyển lên xe của Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Hòa Bình
 

Và ngay sau Chỉ thị 08/CT-BCT của Bộ Công Thương, các hoạt động hỗ trợ cụ thể đã được các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện. Để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, người nông dân tiếp cận phương thức kinh doanh mới và ở góc độ nào đó nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số quốc gia, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các địa phương bán hàng qua sàn thương mại điện tử với sự tham gia của nhiều sàn thương mại điện tử. Đến thời điểm này, người tiêu dùng có thể chung tay giúp nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thông qua 2 sàn giao dịch là Vỏ Sò, Postmart.

Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết: năm nay sản phẩm vải thiều của Hải Dương, Bắc Giang đều đang bắt đầu vào vụ với sản lượng lớn. Để tăng khả năng tiêu thụ, cũng như hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, các đơn vị của Bộ Công Thương đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang hợp tác với các sàn thương mại như Sendo, Voso, Postmart, Lazada... và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều.

Lực lượng quản lý thị trường- tuyến đầu trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.... cũng đã lên kế hoạch triển khai hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho vùng dịch. Cụ thể, trong sáng ngày 30/5, 2,5 tấn vải của Bắc Giang đã được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hoà Bình phối hợp với doanh nghiệp bán hết trong vòng vài giờ. Đây là chuyến hàng đầu tiên được Đội QLTT số 3, Cục QLTT Hòa Bình triển khai nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục QLTT tại Quyết định số 1590/QĐ-TCQLTT về triển khai hỗ trợ các biện pháp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân theo tinh thần của Chỉ thị số 08/CT-BCT.

Bên cạnh việc vận chuyển vải thiều về tiêu thụ tại địa bàn Hòa Bình, tận dụng chuyến xe, lực lượng QLTT cũng sẽ đưa nông sản của Hòa Bình đến điểm phân phối tại vùng dịch Bắc Giang. Theo kế hoạch, mô hình này sẽ được triển khai và nhân rộng tại nhiều tỉnh thành nhằm hỗ trợ nông dân tại vùng dịch tiêu thụ nông sản mùa vụ trong điều kiện xuất khẩu gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) mới đây đã có văn bản gửi tỉnh Bắc Giang đề nghị được mua 180 tấn vải thiều, giúp tỉnh này tiêu thụ vải khi mùa thu hoạch chính vụ đang tới.

Riêng đối với trái vải, hiện một số địa phương đã đưa ra kịch bản sẽ tiêu thụ ở thị trường trong nước đến 90% trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm tắc nghẽn xuất khẩu. Làm tốt nhất những điều có thể để khơi thông thị trường đã và đang được các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương rốt ráo vào cuộc với mục tiêu cuối cùng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong tiêu thụ nông sản nói chung và trái vải thiều nói riêng cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nguồn: congthuong.vn