• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bến Tre tham gia Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45 của Chính phủ về Khuyến công
Ông Nguyễn Văn Đông Phương – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bến Tre tham gia tham luận tại Hội nghị. (Nguồn: TT.KC&XTTM)

Bến Tre tham gia Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45 của Chính phủ về Khuyến công

(Cập nhật: 20/12/2023)
Ngày 14.12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP (2013-2022) của Chính phủ về khuyến công. Theo đánh giá, hoạt động khuyến công được nâng cao cả về chất và lượng, góp sức đáng kể phát triển công nghiệp nông thôn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công nghiệp nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xuất phát từ yêu cầu cầu thực tiễn, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 45 về công tác khuyến công.

 
Sau khi được ban hành, Nghị định đã được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, mang lại luồng sinh khí mới trong phát triển công nghiệp nông thôn. Sau 10 năm, hoạt động khuyến công đã huy động nhiều nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo công ăn việc làm, xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất nâng cao hiệu quả, tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải, bảo vệ môi trường… Hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển sản xuất bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP (Nghị định 45) của Chính phủ về Khuyến công, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng 
Cục Công Thương địa phương thông tin: trong 10 năm (2013-2022) tổng kinh phí từ ngân sách bố trí cho hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương của 63 tỉnh, thành hơn 2.535 tỷ đồng. Kinh phí khuyến công quốc gia là 1.042 tỷ đồng, chiếm hơn 41%; khuyến công địa phương 1.493 tỷ đồng, chiếm gần 59%. Số vốn đối ứng của các tổ chức cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình hơn 10.500 tỷ đồng.

Số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công trong 10 năm qua 19.082 lượt cơ sở; Cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc địa bàn khó khăn đặc biệt khó khăn thụ hưởng chính sách khuyến công là 9.541 cơ sở.

Có thể thấy, hoạt động khuyến công được triển khai rộng khắp, đa dạng nội dung hoạt động, nhiều mô hình sáng tạo. Đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 113.370 lao động với tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%. Mỗi năm tổ chức được khoảng 100 hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề cho hơn 9.000 lượt đại biểu tham gia… Hỗ trợ xây dựng 628 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ cho 8.100 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 82 cụm công nghiệp, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 58 cụm công nghiệp.

Đã tổ chức 6 lần bình chọn cấp khu vực và 4 lần bình chọn cấp quốc gia; bình chọn được 1.630 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 512 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Riêng hoạt động tỉnh Bến Tre trong 10 năm thực hiện Nghị định đã triển khai thực hiện 193 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, với kinh phí hỗ trợ thực hiện 33,756 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn hơn 247,4 tỷ đồng, tạo ra việc làm cho hơn 6.500 lao động (trong đó: KCQG là 52 đề án, kinh phí hỗ trợ là 12,99 tỷ đồng; KCĐP là 141 đề án, kinh phí hỗ trợ là 20,766 tỷ đồng). Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 03 Cụm công nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 961,8 triệu đồng, gồm: Cụm công nghiệp Bình Thới, huyện Bình Đại; Cụm Công nghiệp Thành Thới B, Huyện Mỏ Cày Nam; Cụm Công nghiệp An Hòa Tây, huyện Ba Tri.

Đáng chú ý, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về nguồn lực phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã xây dựng và triển khai thực hiện 02 đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển sản xuất sản phẩm từ dừa giai đoạn 2019 – 2020” và tiếp tục là “giai đoạn 2023 - 2025” nhằm tập trung đẩy mạnh vào các hoạt động hỗ trợ các cơ sở sản xuất chế biến dừa của địa phương như: nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp; ứng dụng máy móc, thiết bị; phát triển sản phẩm thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm tại các kỳ hội chợ trong nước… 

Bên cạnh đó, Sở Công thương Bến Tre đã chủ trì thực hiện 5 đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, qua đó có 90 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Tỉnh; Có 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Khu vực; Có 17 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Và để hỗ trợ cho các cơ sở CNNT có các sản phẩm được bình chọn đầu tư phát triển sản xuất, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre có sản phẩm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phát triển sản xuất”.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, sau 10 năm thực thi Nghị định 45 của Chính phủ, công tác khuyến công được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực nông thôn.

Qua đó, đã động viên, huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tạo ra được cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu; giảm thiểu phát thải, cải thiện chất lượng môi trường.

Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn bền vững; đồng thời, giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia có hiệu quả vào hội nhập kinh tế quốc tế.

Khung pháp lý về hoạt động khuyến công từng bước được hoàn thiện. Hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công từ Trung ương tới địa phương được thiết lập và hoạt động ngày càng có hiệu quả, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao những nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển công nghiệp nông thôn; nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để có đề xuất, kiến nghị, tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành Nghị định mới về công tác khuyến công, bảo đảm đủ mạnh và khả thi, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới. Cũng để đóng góp quá trình xây dựng nông thôn và nông thôn mới nâng cao.

Trong thời gian chưa có Nghị định mới về công tác khuyến công, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí tăng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và chú trọng lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho hoạt động khuyến công. Nếu ghép được nguồn vốn khuyến công, khuyến thương để thêm nguồn lực thực hiện.

Chủ động rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khuyến công theo chuỗi ngành hàng và chuyển đổi số. Triển khai các hoạt động khuyến công đồng bộ với các chương trình hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát hiện, tôn vinh và hỗ trợ phát triển những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động./.
Tác giả: Hùng Nhạn - TT.KC&XT

Tin cùng loại