• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Khuyến công Bến Tre hỗ trợ làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc tham quan học tập mô hình ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sấy nông sản tại tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu
Thiết bị sấy sử dụng năng lượng mặt trời tại tỉnh Bạc Liêu (Nguồn: Nhạn-TT.KC&XTTM)

Khuyến công Bến Tre hỗ trợ làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc tham quan học tập mô hình ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sấy nông sản tại tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu

(Cập nhật: 04/12/2024)
      Trong bối cảnh phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống, việc học tập và áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, đối với các làng nghề truyền thống như bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc trên địa bàn huyện Giồng Trôm thì việc học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sấy nông sản ứng dụng công nghệ tiên tiến và sử dụng năng lượng mặt trời sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
      Thực hiện sự đề nghị từ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Giồng Trôm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ tổ chức cho đoàn các cơ sở từ làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đến học tập kinh nghiệm các mô hình ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sấy nông sản tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.
     
      Chuyến công tác nhằm mục đích tìm hiểu về quy trình, công nghệ và hiệu quả của các mô hình ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sấy nông sản. Đồng thời, đoàn công tác cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm quản lý, vận hành và bảo trì hệ thống từ các địa phương đã có nhiều năm kinh nghiệm.


     Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại các cơ sở sản xuất nông sản đầu tư ứng thiết bị tiên tiến vào sấy nông sản do Trung tâm khuyến công tỉnh Cà Mau và Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ đầu tư. Tại đây, đoàn đã được giới thiệu về các thiết bị sấy, quy trình vận hành và các biện pháp bảo trì, bảo dưỡng hệ thống. Đặc biệt, đoàn đã được tham quan các mô hình sấy nông sản sử dụng năng lượng mặt trời, một giải pháp hiệu quả và bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

      Qua chuyến học tập, đoàn công tác đã thu thập được nhiều thông tin và kinh nghiệm quý báu. Các mô hình sấy nông sản sử dụng năng lượng mặt trời không chỉ giúp giảm chi phí năng lượng mà còn bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ này còn giúp giảm thiểu rủi ro do thời tiết, sản phẩm luôn đạt chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm.
 Một buồng sấy thuộc hệ thống sấy tại tỉnh Cà Mau

      Dựa trên những kinh nghiệm học hỏi được, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc sẽ tiến hành nghiên cứu và triển khai mô hình sấy tại địa phương. Trước mắt, làng nghề sẽ lựa chọn một số hộ gia đình và cơ sở sản xuất để thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng mô hình nếu đạt hiệu quả cao.

      Chuyến học tập kinh nghiệm các mô hình ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sấy nông sản tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu đã mang lại nhiều bài học quý giá cho làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc. Việc áp dụng công nghệ này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và phát triển. Hy vọng rằng, với những kinh nghiệm học hỏi được, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc sẽ sớm triển khai thành công mô hình này, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp địa phương.
(Tác giả: Hùng Nhạn – TT.KC&XTTM)