• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tăng cường quản lý đối với sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Sản phẩm rượu phải có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng (Nguồn: QLCN)

Tăng cường quản lý đối với sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 16/08/2022)
Vừa qua, trên địa bàn xã An Hiệp, huyện Ba Tri đã xảy ra vụ ngộ độc nghi do sử dụng rượu chưng cất thủ công, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Trước tình trạng báo động như hiện nay, để đảm bảo an toàn tính mạng người tiêu dùng, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre yêu cầu các phòng chuyên môn trực thuộc Sở; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế thành phố/Kinh tế và Hạ tầng các huyện nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp cấp bách sau:

1. Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do người dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tuyên truyền, phổ biến Luật, các quy định, chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia bằng những hình thức thích hợp cho tất cả người dân được biết.

Đồng thời, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, công bố hợp quy, ghi nhãn, quảng cáo và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh rượu nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu và sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế thành phố/Kinh tế và Hạ tầng các huyện thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn rà soát thống kê lại danh sách các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công trên địa bàn các huyện, thành phố theo Công văn số 1710/SCT-QLCN ngày 02/8/2022 của Sở Công Thương.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng và chính quyền địa phương (cấp xã, phường, ấp…) tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu (Luật Phòng chống tác hại của Rượu, bia ngày 12/11/2019, các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017, Nghị định 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020; Nghị định 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020; Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017, Thông tư số 26/2019/TT-BCT ngày 14/11/2019 của Bộ Công Thương,...). Các sản phẩm rượu được phép lưu hành trên thị trường phải được đăng ký công bố hợp quy đáp ứng theo quy chuẩn Việt Nam hiện hành (QCVN 6-3:2010/BYT ban hành kèm theo Thông tư 45/2010/TT-BYT ngày 22/12/2010 của Bộ Y tế).

- Đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, hướng dẫn người dân nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu và nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu, bia theo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được nắm.
Nguồn: P.QLCN – SCT