• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Phân tích thị trường cơm dừa nạo sấy

Phân tích thị trường cơm dừa nạo sấy

(Cập nhật: 29/03/2019)

Tình hình xuất khẩu cơm dừa nạo sấy (DC) của Philippines vẫn tiếp tục tăng cao kể từ năm trước. Theo số liệu chính thức từ Cơ quan thống kê Philippines cho thấy, lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy từ tháng 01 – 10/2018 là 105.441 tấn, tăng 4,6% so với lượng xuất khẩu cùng kỳ năm trước. Sản lượng xuất khẩu đang tăng trưởng khả quan trong hai năm trở lại đây. Đáng chú ý là sản lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của Philippines tăng khoảng 35,6% trong năm 2016 và một lần nữa tăng lên 26% vào năm 2017.

Sau khi trải qua giai đoạn thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô do hiện tượng el nino trong năm 2015 đã làm ngành dừa trở nên tồi tệ do hàng loạt các cơn bão gây ra, ngành sản xuất cơm dừa nạo sấy của Philippines đã cho thấy dấu hiệu khôi phục trở lại sau khi cải thiện tình hình sản lượng dừa do điều kiện thời tiết thuận lợi diễn ra. Điều này có thể cho phép các nhà sản xuất cơm dừa nạo sấy của Philippines đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ toàn cầu trên thị trường quốc tế. Giá cơm dừa nạo sấy thấp hơn đã tạo ra cơ hội cho các nhà nhập khẩu đẩy mạnh tiêu thụ để tích lũy hàng hóa. Trong quý 1/2018, châu Mỹ và châu Âu vẫn là hai thị trường nhập khẩu chính cơm dừa nạo sấy từ Philippines, chiếm hơn 48% trong tổng lượng xuất khẩu. Mỹ là thị trường nhập khẩu chính đối với cơm dừa nạo sấy của Philippines tại châu Mỹ, nhập khẩu 30.579 tấn hoặc 29% trong tổng sản lượng xuất khẩu. Tại Châu Âu, Hà Lan là điểm nhập khẩu chính, nhận được 13% trong tổng lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của Philippines. Trong khi đó từ các quốc gia Châu Á, Nhật Bản và Malaysia là những nước nhập khẩu lớn nhất cơm dừa nạo sấy từ Philippines

                                    

Thị trường nhập khẩu cơm dừa nạo sấy từ Philippines, tháng 01 – tháng 10/2018

Trong giai đoạn từ tháng 01 – 12/2018, tổng sản lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy được tích lũy từ Indonesia là 109.179 tấn. Tình hình xuất khẩu cơm dừa nạo sấy từ Indonesia đã cho thấy sự phát triển tích cực khoảng 11,4% so với lượng xuất khẩu của năm trước. Sự phát triển này đang theo sau xu hướng tăng cao trong năm trước. Năm 2017, Cơ quan thống kê Indonesia (BPS) đã ghi nhận lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy từ Indonesia trong giai đoạn nêu trên là 98.038 tấn, cao hơn 23,7% so với năm 2016. Sự khôi phục nguồn cung nguyên liệu thô cùng với giá cơm dừa nạo sấy thấp hơn so với các sản phẩm dừa cạnh tranh khác cộng với sự khôi phục chế biến đã tạo nên dấu hiệu lạc quan cho các nhà chế biến cơm dừa nạo sấy của Indonesia để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong giai đoạn nêu trên, Châu Á và Châu Âu vẫn là thị trường nhập khẩu chính đối với cơm dừa nạo sấy từ Indonesia. Hai thị trường này đã nhập khẩu 82,5% trong tổng lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy từ Indonesia. Tại Châu Á, Singapore là điểm nhập khẩu chính  đối với các nhà sản xuất cơm dừa nạo sấy của Indonesia. Có hơn 20% trong tổng sản lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy được xuất khẩu sang hoặc thông qua Singapore. UAE, Iran và Trung Quốc là những thị trường nhập khẩu chính khác từ Châu Á. Châu Âu là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai đối với cơm dừa nạo sấy từ Indonesia trong giai đoạn nói trên, bao gồm các nước Đức, Nga, Hà Lan, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Khu vực này đã nhập khẩu 39.826 tấn cơm dừa nạo sấy từ Indonesia. Thị trường lớn thứ ba là châu Mỹ với 9% thị phần thị trường cơm dừa nạo sấy của Indonesia. Trong số các quốc gia châu Mỹ, Brazil được ghi nhận là quốc gia nhập khẩu lớn nhất. Quốc gia này đã nhập khẩu 4.676 tấn cơm dừa nạo sấy của Indonesia, chiếm 4,3% trong tổng lượng xuất khẩu. 

Thị trường nhập khẩu cơm dừa nạo sấy từ Indonesia, 2018

Nhu cầu tiêu thụ cơm dừa nạo sấy từ Sri Lanka trên toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng từ mức giá cao của sản phẩm. Trong giai đoạn từ tháng 01 – 11/2018, sản lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy từ Sri Lanka chỉ đạt 22.288 tấn hoặc giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước.  Sự giảm thấp như thế đang theo sau xu hướng của năm trước. Năm 2017, sản lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của Sri Lanka là 29.418 tấn hoặc giảm khoảng 40% so với cùng kỳ 2016. Tuy vậy, nếu nhìn vào số liệu thống kê xuất khẩu hàng tháng, khi giá cơm dừa giảm thấp thì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này lại đang được cải thiện. Trong tháng 01/2018, Sri Lanka chỉ xuất khẩu được 928 tấn cơm dừa nạo sấy và sản lượng này đã dần tăng lên 2.876 tấn vào tháng 11/2018.

Châu Âu và châu Á là những thị trường nhập khẩu chính đối với cơm dừa nạo sấy từ Sri Lanka. Trong giai đoạn từ tháng 01 – 11/2018, các nước Châu Âu và châu Á đã nhập khẩu tương đương 6.299 tấn và 8.342 tấn cơm dừa nạo sấy từ Sri Lanka. Sản lượng nhập khẩu của 02 thị trường này chiếm hơn 65,7% trong tổng lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của Sri Lanka. Lục địa Châu Mỹ đã xuất hiện để trở thành thị trường nhập khẩu quan trọng đối với cơm dừa nạo sấy của Sri Lanka. Lục địa này đã nhập khẩu 26,3% trong tổng lượng xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của Sri Lanka trong giai đoạn nói trên. Mỹ là nước nhập khẩu chính với 3.592 tấn hoặc đạt 16,1% trong tổng lượng xuất khẩu.

Giá cơm dừa nạo sấy đang có chiều hướng giảm nhẹ trong năm 2018. Giá cơm dừa nạo sấy từ Philippines (FOB US), nước xuất khẩu lớn nhất,  đang giảm xuống còn 1.993 USD/tấn trong tháng 12/2018 từ 1.993 USD/tấn trong tháng 02/2018. Sự rớt giá mạnh nhất được ghi nhận ở Sri Lanka. Giá cơm dừa nạo sấy ở Sri Lanka giảm từ 3.816 USD/tấn trong tháng 3/2018 xuống còn 1.694 USD/tấn trong tháng 12/2018 hoặc giảm khoảng 55,6%. Giá cơm dừa nạo sấy của Sri Lanka cao hơn so với giá cơm dừa nạo sấy của PhilippinesIndonesia cùng với giá nguyên liệu thô, dừa trái đang có chiều hướng giảm thấp đã  khiến cho giá cơm dừa nạo sấy của Sri Lanka tụt giảm. Tại Indonesia, giá mặt hàng này giảm từ 2.367 USD/tấn (trong tháng 01/2018) xuống còn 1.276 USD/tấn vào tháng 12/2018 hoặc giảm khoảng 46%.

Giá cơm dừa nạo sấy giảm thấp đã tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu đẩy mạnh tiêu thụ. Mỹ, quốc gia nhập khẩu cơm dừa nạo sấy lớn nhất, được ghi nhận tăng lượng tiêu thụ cơm dừa nạo sấy lên mức 44.772 tấn từ tháng 01 – 11/2018. Điều này được ghi nhận tăng khoảng 5,2% so với sản lượng nhập khẩu của năm trước. Trong khi đó, các nước châu Âu được ghi nhận tăng 2,3% về sản lượng nhập khẩu cơm dừa nạo sấy trong giai đoạn từ tháng 01 – 6/2018. Thị trường cơm dừa nạo sấy trên toàn cầu được cung ứng chủ yếu bởi Philippines, Indonesia Sri Lanka.

Giá cơm dừa nạo sấy hàng tháng từ năm 2011-2019 (USD/tấn)

Nguồn: APCC