• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Kiểm tra tình hình thực hiện đề án khuyến công tại các cơ sở, doanh nghiệp
Hình ảnh một cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu

Kiểm tra tình hình thực hiện đề án khuyến công tại các cơ sở, doanh nghiệp

(Cập nhật: 27/11/2020)
Từ ngày 21/10/2020 đến ngày 10/11/2020, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại và Phòng Kinh tế Thành phố/ Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện Châu Thành, Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Chợ Lách kiểm tra tình hình thực hiện các đềán khuyến công.

Đoàn đã đi thực tế, khảo sát tại 20 đơn vị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công năm 2019 với nguồn vốn hỗ trợ 5,347 tỷ đồng, huy động nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp hơn 20,7 tỷ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng phát triển sản xuất gồm các nhóm ngành: chế biến các sản phẩm từ dừa (13 đề án); chế biến nông sản, thực phẩm khác (06 đề án); cơ khí- sản xuất khung bàn ghế (01 đề án). Tạo việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động với thu nhập bình quân khoảng 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó:

Nguồn vốn khuyến công quốc gia thực hiện hỗ trợ 08 đơn vị với kinh phí hỗ trợ 2,950 tỷ đồng thuộc Đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa giai đoạn 2019-2020”;

Nguồn vốn khuyến công tỉnh thực hiện hỗ trợ 12 đơn vị với kinh phí hỗ trợ 2,397 tỷ đồng để đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất.

Năm 2020 do ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài nên sản lượng dừa, nông sản giảm, chất lượng thấp, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho sản xuất chế biến. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới đang lan rộng với tốc độ nhanh cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, xuất khẩu các sản phẩm nhất là các sản phẩm từ dừa 6 tháng đầu năm 2020 bị giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Qua khảo sát tại thời điểm cuối năm, đa số các doanh nghiệp đang dần phục hồi và từng bước ổn định sản xuất. Nhìn chung, trong số 20 đơn vị được khảo sát lần này thì có 13 đơn vị đã phục hồi sản xuất kinh doanh, tận dụng và phát huy tốt công suất của máy móc đã được hỗ trợ, các máy móc thiết bị được hỗ trợ đang vận hành tốt, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Chất lượng, số lượng sản phẩm đều tăng so với trước khi đầu tư, có nhu cầu tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên, còn một vài đơn vị vẫn chưa phục hồi được sản xuất, hiện tại chỉ sản xuất cầm chừng, chờ thời cơ thuận lợi để phục hồi sản xuất.

Các đề án khuyến công năm 2019 tập trung hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong toàn tỉnh đầu tư đổi mới, nâng cấp máy móc thiết bị để phát triển sản xuất cho ngành sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa của tỉnh góp phần tạo việc làm, ổn định xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, góp phần hỗ trợ công nghiệp nông thôn phát triển cũng như từng bước nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Phần lớn các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, phương thức sản xuất kinh doanh còn đơn giản theo kiểu gia đình; chậm đổi mới ứng dụng máy móc thiết bị, đầu tư cải tiến công nghệ; chưa chủ động ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất, còn trông chờ vào việc hỗ trợ của nhà nước. Sản phẩm còn đơn điệu chưa đa dạng, còn ở dạng xuất thô, chưa có sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do đó giá trị sản phẩm xuất khẩu chưa cao để tạo đà cho việc phát triển, mở rộng sản xuất của đơn vị.

Qua đó, Đoàn kiểm tra cũng có một số đề xuất kiến nghị như sau:

- Tiếp tục thực hiện kiểm tra, khảo sát đánh giá hiệu quả các đề án sau khi hỗ trợ đầu tư và thường xuyên nắm bắt thông tin các doanh nghiệp trong thời gian thực hiện hợp đồng đề án, đảm bảo việc sử dụng vốn khuyến công đúng mục đích, có hiệu quả. Trường hợp các cơ sở, doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ đầu tư không đúng mục đích của đề án phải có báo cáo, đề xuất hướng xử lý.

- Phòng Quản lý Công nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với Phòng Kinh tế/Kinh tế Hạ tầng các huyện, thành phố tăng cường phổ biến các chính sách khuyến công của Trung ương và địa phương đến cơ sở, doanh nghiệp; khuyến khích đơn vị đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, phát triển sản xuất, tham gia thụ hưởng từ chính sách khuyến công.

- Tích cực phối hợp với các địa phương trong việc lựa chọn những đề án để hỗ trợ vốn khuyến công, hỗ trợ có trọng tâm, có hiệu quả góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Từ năm 2021 trở đi lựa chọn các đề án đề xuất hỗ trợ kinh phí khuyến công đề nghị phòng Kinh tế thành phố/ Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện nên lưu ý các lựa chọn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện tốt pháp luật về  bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, địa điểm sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương./.

 
Nguồn: P.QLCN - SCT