• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
  • admin
  • EVFTA
  • 07/08/2020
  • 393
Hội nghị trực tuyến về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến

Hội nghị trực tuyến về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)”

(Cập nhật: 07/08/2020)

Ngày 06 tháng 08 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)”. Hội nghị có sự tham gia của Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các đại sứ và trưởng phái đoàn đại diện các nước EU, cũng như các hiệp hội và doanh nghiệp tiêu biểu của cả Việt Nam và EU.


Nỗ lực tận dụng hiệu quả Hiệp định

Để bảo đảm việc thực thi Hiệp định được đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực thi Hiệp định của Chính phủ với 5 nhóm nội dung lớn gồm: (i) công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; (ii) công tác xây dựng pháp luật, thể chế; (iii) các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; (iv) chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và (v) chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mỗi nhóm công việc này được xây dựng với những nội dung, hành động chi tiết được phân công cho từng Bộ, ngành với thời gian triển khai cụ thể.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương cũng đã trình bày về sự chuẩn bị của Bộ, ngành, địa phương mình đối với việc thực thi Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị cũng thảo luận, trao đổi nhằm đề xuất giải pháp về 6 nhóm vấn đề lớn liên quan đến: (1) công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng; (2) các giải pháp đề tận dụng hiệu quả cam kết; (3) giải pháp về phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; (4) các yêu cầu về phát triển bền vững; (5) vấn đề về phát triển hạ tầng cơ sở để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; và (6) vấn đề về cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU.

Với việc Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 08 năm 2020, Hội nghị là cam kết của Việt Nam đối với đối tác thương mại hàng đầu – Liên minh châu Âu, cũng như của Chính phủ đối với người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA.

Việc kết thúc đàm phán thành công và từ đó tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Từ một nước đi sau trong tiến trình hội nhập nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên chúng ta đã vươn lên trở thành nước đi đầu: là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU; thuộc nhóm nước đầu tiên trong ASEAN phê chuẩn hiệp định CPTPP. Cùng với tiến trình này, cả thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, giúp chúng ta tự tin hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN và hướng đến giai đoạn mới trong tiến trình phát triển.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn anh nhận định, trải qua một thời gian dài với quyết tâm và sự nỗ lực của cả hai bên, chúng ta đã thu được thành quả to lớn, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU lên một tầm cao mới. Đây là giây phút chúng ta đã mong chờ từ lâu - giây phút đưa Hiệp định EVFTA đi vào cuộc sống.

Có thể nói, EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với nhiều cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi đối với kinh tế và xã hội của nước ta.

Nhiệm vụ mới bây giờ đối với cả hai Bên là đưa Hiệp định vào thực thi một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của cả Việt Nam và EU. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm đưa các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực vào thực thi trong thời gian vừa qua nên cũng có một số thuận lợi trong quá trình đưa EVFTA vào triển khai trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do sự hoành hành của đại dịch Covid-19 và chưa biết khi nào sẽ kết thúc nên cả hai Bên sẽ không tránh khỏi một số khó khăn nhất định trong quá trình thực thi Hiệp định quan trong này, việc thực thi thành công Hiệp định trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực của cả phía Việt Nam và EU trong quá trình vừa chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội của cả hai Bên.

Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm các cam kết của EVFTA

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA; tăng cường cơ chế phối hợp, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng và triển khai các cam kết theo Hiệp định; chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực về quản lý Nhà nước trong hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền; và ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, nội luật hóa các cam kết, hướng dẫn thực thi Hiệp định EVFTA.

Đối với các hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, chú ý hơn đến việc bảo đảm các nghĩa vụ xã hội, tiêu chuẩn lao động và nguyên tắc bảo vệ môi trường. Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ sẽ làm vai trò kiến tạo phát triển, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, định hướng, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hành động để có thể nắm bắt được các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Đảm nhiệm vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ về thực thi Hiệp định này, Bộ Công Thương đã dự thảo nội dung Kế hoạch, lấy ý kiến của tất cả các Bộ, Ngành, các cơ quan trực thuộc Chính phủ và đã báo cáo Thủ tướng dự thảo này để Chính phủ xem xét, phê duyệt và ban hành sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Có thể nói đây là một Kế hoạch toàn diện, nội dung có tính đến đa khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ mới, với mục tiêu cao nhất là tạo nền móng, cơ sở cho việc thực thi các cam kết, cũng như chuẩn bị về mặt năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, các ngành hàng, dịch vụ nhằm sẵn sàng chớp lấay những cơ hội, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực từ Hiệp định này đối với nền kinh tế trong nước. Trong Kế hoạch, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng Kế hoạch của Bộ, ngành và địa phương mình nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, theo hướng phù hợp với đặc điểm, nhu cầu, cũng như vai trò, chức năng của cơ quan, tỉnh, thành phố trong quá trình thực thi EVFTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ tin tưởng: “Với sự nhận thức đúng đắn và sự chuẩn bị tốt, chúng ta có thể đón đầu và tận dụng hiệu quả được những cơ hội và kỳ vọng mà Hiệp định EVFTA sẽ mang lại. Nếu EVFTA được ví như con đường cao tốc cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì ngày hôm nay chúng ta đã tự tin sẵn sàng thông xe cho con đường đó để giúp cho các phương tiện lưu thông trên đó, chính là doanh nghiệp và nền kinh tế, được vận hành một cách thuận lợi, thông suốt và hiệu quả hơn”.

Nguồn: Moit.gov.vn