• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
  • admin
  • EVFTA
  • 06/08/2020
  • 520
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực và tiến trình thực thi trong thời gian tới

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực và tiến trình thực thi trong thời gian tới

(Cập nhật: 06/08/2020)

Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực sau khi đã được Quốc hội của hai Bên phê chuẩn. Có thể nói EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với nhiều cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi đối với kinh tế và xã hội của nước ta.


Tuy nhiên, do sự hoành hành của đại dịch Covid-19 và chưa biết khi nào sẽ kết thúc nên cả hai Bên sẽ không tránh khỏi một số khó khăn nhất định trong quá trình thực thi Hiệp định quan trong này, việc thực thi thành công Hiệp định trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực của cả phía Việt Nam và EU trong quá trình vừa chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội của cả hai Bên.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm mức độ tăng trưởng khoảng 5,2% trong năm 2020, trong đó Việt Nam là một trong số ít nước ở khu vực Châu Á - Thái bình dương được dự báo có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, ở mức 2,8% trong năm nay. Trong số các yếu tố tích cực, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, đặc biệt là việc đưa Hiệp định EVFTA vào thực thi nói riêng đang và sẽ được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực nền kinh tế của mình trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế khu vực và toàn cầu. Có thể nói, song song với Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA là điểm nhấn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, là tâm điểm kinh tế, tạo khởi sắc ấn tượng trong quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, và từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, thông qua Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ khẳng định được vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của mình trong khu vực, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Việc kết thúc đàm phán thành công và từ đó tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Như vậy, với việc Hiệp định CPTPP được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực đầu năm 2019 và Hiệp định EVFTA có hiệu lực, chúng ta đã bước đầu thực hiện thành công các chủ trương được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Từ một nước đi sau trong tiến trình hội nhập nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên chúng ta đã vươn lên trở thành nước đi đầu: là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU; thuộc nhóm nước đầu tiên trong ASEAN phê chuẩn hiệp định CPTPP. Cùng với tiến trình này, cả thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, giúp chúng ta tự tin hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN và hướng đến giai đoạn mới trong tiến trình phát triển.

Việc đàm phán, ký kết đã hoàn thành, nhiệm vụ mới bây giờ đối với cả hai Bên là đưa Hiệp định vào thực thi một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của cả Việt Nam và EU. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm đưa các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực vào thực thi trong thời gian vừa qua nên cũng có một số thuận lợi trong quá trình đưa EVFTA vào triển khai trong thời gian tới.

Về phía Việt Nam, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA, kế hoạch này sẽ là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện Hiệp định này một cách hiệu quả nhất, mang lại lợi ích cao nhất cũng như đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ mà chúng ta đã có với đối tác EU.

Đảm nhiệm vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ về thực thi Hiệp định này, Bộ Công Thương đã dự thảo nội dung Kế hoạch, lấy ý kiến của tất cả các Bộ, Ngành, các cơ quan trực thuộc Chính phủ và đã báo cáo Thủ tướng dự thảo này để Chính phủ xem xét, phê duyệt và ban hành sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Kế hoạch hành động của Chính phủ đã được Thủ tướng ký ban hành và đưa vào thực thi

Kế hoạch xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm đó là: (i) Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; (ii) Công tác xây dựng pháp luật, thể chế; (iii) Công tác nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; (iv) Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; (v) Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mỗi nhiệm vụ lớn với các nhiệm vụ cụ thể được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành cụ thể để chủ trì triển khai.

Có thể nói đây là một Kế hoạch toàn diện, nội dung có tính đến đa khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ mới, với mục tiêu cao nhất là tạo nền móng, cơ sở cho việc thực thi các cam kết, cũng như chuẩn bị về mặt năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, các ngành hàng, dịch vụ nhằm sẵn sàng chớp lấy những cơ hội, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực từ Hiệp định này đối với nền kinh tế trong nước. Trong Kế hoạch, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng Kế hoạch của Bộ, ngành và địa phương mình nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, theo hướng phù hợp với đặc điểm, nhu cầu, cũng như vai trò, chức năng của cơ quan, tỉnh, thành phố trong quá trình thực thi EVFTA.

Sáng nay ngày 06 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến về “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA” với lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh cùng với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để thảo luận hướng triển khai một cách có hiệu quả nhất Hiệp định quan trọng này. Nếu thực thi một cách thực sự hiệu quả, EVFTA cùng với CPTPP sẽ là cú hích quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới mà nhiều quốc gia Đông Nam Á chưa có được.

Để Kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống, Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ cần phải có những bước triển khai cụ thể, thiết thực, vững chắc, không vội vàng, nôn nóng, song cũng không chậm chễ để kịp thời năm bắt cơ hội, vượt qua thách thức. Có thể thấy, cùng với Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA cũng là một Hiệp định FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao, đặt ra không ít thách thức trong quá trình thực thi. Kinh nghiệm thực thi Hiệp định CPTPP sau hơn một năm mặc dù bước đầu đã gặt hái được những kết quả khả quan về hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế, về tăng cường xuất khẩu, nhưng dư địa để tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định này vẫn còn nhiều.

Do đó với Hiệp định EVFTA, toàn bộ bộ máy Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế khác trong xã hội cần chú trọng triển khai Hiệp định này với những lưu ý như:

- Cần đẩy mạnh hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hướng dẫn thực thi Hiệp định này, công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh công tác truyền thông về EVFTA, để tất cả các doanh nghiệp Việt Nam biết, hiểu đúng, hiểu rõ và áp dụng được Hiệp định này vào đời sống sản xuất, kinh doanh. Công tác truyền thông trong tình hình mới không chỉ là thông qua những hình thức truyền thông truyền thống trước đây mà chúng ta cần phải đổi mới, sáng tạo trong khâu tổ chức, ví dụ như thông qua các khóa tập huấn trực tuyến, hội nghị trực tuyến, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động phổ biến, tuyên truyền để những thông tin về Hiệp định này trở nên trực quan, hấp dẫn hơn, cũng như tiếp cận được nhiều doanh nghiệp hơn, lan tỏa sâu và rộng hơn.

- Về phía doanh nghiệp, cần thể hiện tinh thần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về Hiệp định EVFTA, vì chỉ khi hiểu chúng ta mới có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống những cam kết này. Bản thân doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, học hỏi lẫn nhau, thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, liên kết tạo thành chuỗi sản xuất, kinh doanh để có thể tụ hội đủ nguồn lực đối mặt với áp lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng cần hết sức lưu ý những cam kết về phát triển bền vững như các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, về bảo vệ môi trường do đây là những nội dung mà phía EU đặc biệt quan tâm.

Trên cơ sở nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ xây dựng Kế hoạch thực hiện cụ thể của cơ quan, địa phương mình.

Về phía Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện Kế hoạch thực hiện EVFTA của riêng Bộ Công Thương để chuẩn bị cho việc ban hành. Trong kế hoạch này, Bộ đã xác định nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu về Hiệp định, tiếp cận thị trường EU, tận dụng EVFTA, có thể kể đến thể như:

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định theo các hình thức khác nhau tới các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và những đối tượng quan tâm khác trong cộng đồng;

- Xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường, nghiên cứu và định hướng thiết lập các kênh phân phối các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam trên thị trường các nước thành viên EVFTA;

- Nghiên cứu, xây dựng tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU cho các nhóm hàng trọng điểm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh;

- Xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam hướng tới thị trường EU, và chương trình quảng bá chỉ dẫn địa lý tại thị trường EU trong khuôn khổ Chương trình thương hiệu Quốc gia;

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn tại thị trường EU trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu;

- Hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp hướng tới tiêu chí xanh nhằm tiếp cận thị trường, định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế, phù hợp với xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường của người tiêu dùng tại các nước EU;

- Hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là một số trong nhiều hoạt động mà Bộ Công Thương đã xây dựng để đồng hành và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong quá trình thực thi tận dụng Hiệp định này.

 
Nguồn: moit.gov.vn