• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tình hình phát triển làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Làng nghề chế biến cá khô An Thủy – Ba Tri (Nguồn: QLCN)

Tình hình phát triển làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 05/08/2019)

Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó 12 làng nghề truyền thống.

Để đẩy mạnh phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất trong làng nghề, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 11/10/2013 Phê duyệt Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 – 2020.

Hiện nay, các làng nghề hoạt động khá ổn định, đa số những doanh nghiệp có khả năng phát triển tốt. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp cũng khá đa dạng, chủ yếu sử dụng nhiên, nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, có khá nhiều sản phẩm nổi tiếng: Kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, thạch dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ,…

Tuy nhiên, còn có những doanh nghiệp sản xuất khó khăn vì thiếu vốn đầu tư sản xuất, thị trường tiêu thụ không ổn định, mẫu mã chưa phong phú, giá thành cao, chất lượng sản phẩm không cao, tính cạnh tranh thấp chủ yếu tiêu thụ nội địa. Các cơ sở trong làng nghề sản xuất thủ công, áp dụng kỹ thuật công nghệ lạc hậu dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Môi trường một số làng nghề như: làng nghề bánh phồng Sơn Đốc xã Hưng Nhượng, bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề truyền thống chế biến cá khô Tiệm Tôm xã An Thủy đã và đang bị ô nhiễm do sự phát triển tự phát và sử dụng những công nghệ sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, nguồn chất thải trong quá trình sản xuất hầu như chưa được xử lý, có thể đưa đến tình trạng ô nhiễm nặng ở một số khu vực sản xuất tập trung dân cư. Và do chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường là khá lớn nên làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh.

Để thúc đẩy làng nghề phát triển, hàng năm bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, đã thực hiện các công việc hỗ trợ và phát triển làng nghề: Lồng ghép các chương trình thực hiện tuyên truyền vận động thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất trong làng nghề, kết nối tiêu thụ sản phẩm, định hướng xây dựng mỗi làng một nghề, hướng đến mỗi làng một sản phẩm; Tổ chức các lớp huấn củng cố, hướng dẫn tổ chức hoạt động, tập huấn một số chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho làng nghề, tập huấn và cấp giấy xác nhận kiến thức về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho các hộ dân sản xuất trong làng nghề, tuyên truyền về môi trường làng nghề,...Ngoài ra, còn thông tin, vận động, hỗ trợ các đơn vị trong làng nghề tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm.

Nhằm giúp cho các làng nghề hoạt động phát triển có hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn, đồng thời góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, trong thời gian tới, định hướng sẽ mở các điểm du lịch sinh thái làng nghề; vận động, hỗ trợ hộ dân trong làng nghề có điều kiện mở các điểm dừng chân để quảng bá hình ảnh, sản phẩm làng nghề.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, nâng cao kiến thức về tổ chức sản xuất, kinh doanh và thị trường cho các Ban quản lý làng nghề; Tăng cường hỗ trợ và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất của làng nghề.

Kiện toàn lại các hợp tác xã trong làng nghề đã ngưng hoạt động; tuyên truyền vận động thành lập mới những hợp tác xã trong làng nghề tiềm năng và hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã này xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy mô hiện có.

Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ về khuyến công, xúc tiến thương mại cho các cơ sở trong làng nghề để đầu tư, đổi mới máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm của làng nghề thông qua các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Nguồn: QLCN-SCT