• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
  • admin
  • EVFTA
  • 03/08/2020
  • 485
Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Chủ động tạo giấy thông hành
Công nhân chế biến hạt điều xuất khẩu tại công ty Phúc An

Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Chủ động tạo giấy thông hành

(Cập nhật: 03/08/2020)
Chất lượng sản phẩm và đáp ứng quy tắc xuất xứ chính là “giấy thông hành” để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả các ưu đãi về mặt thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh tại thì trường EU.


Nếu EVFTA được ví như đại lộ hay đường cao tốc kết nối thương mại Việt Nam-EU thì chất lượng sản phẩm và đáp ứng quy tắc xuất xứ chính là “giấy thông hành” để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả các ưu đãi về mặt thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh tại thì trường EU.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương khuyến nghị, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhưng có nhiều rào cản kỹ thuật. Muốn tiếp cận và khai thác hiệu quả, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu đều phải xây dựng kế hoạch dài hạn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, thu hoạch lẫn chế biến.

Đặc biệt phải chủ động hợp tác, liên kết để xây dựng chuỗi giá trị có quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu số lượng lẫn chất lượng hàng hóa.

Một vấn đề khác mà nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông lâm thủy sản phải chú trọng khắc phục để chinh phục thị trường EU là nâng cao mức độ hiểu biết và tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, đảm bảo tính bền vững của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Là người theo sát hoạt động sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San nhận định, nông dân chính là yếu tố quyết định cho sự thành bại trong quá trình xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU.

Do đó, để gia tăng được sản lượng và giá trị nông sản vào EU, từ bây giờ Nhà nước phải đề ra chiến lược nông nghiệp rõ ràng, lâu dài. Quan trọng nhất là tổ chức sản xuất cho người dân, hướng dẫn nông dân liên kết, sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao nhấn mạnh, chất lượng và uy tín chính là “giấy thông hành” để hàng hóa, đặc biệt là nông sản Việt Nam có thể giam gia cuộc đua đến thị trường EU.

Để có nông sản chất lượng, đạt tiêu chuẩn cần giải quyết đồng bộ các vấn đề từ nhận thức của người sản xuất đến chiến lược phát triển của cả ngành nông nghiệp.

“Không thể kinh doanh, xuất khẩu nông sản với những hộ sản xuất nhỏ lẻ, mỗi người một kiểu mà bắt buộc phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất lớn để ứng dụng công nghệ cao, tạo ra hàng hóa số lượng lớn với chất lượng đồng bộ. Hơn nữa, muốn xuất khẩu đi xa thì khâu bảo quản và chế biến cần được cải thiện ngay, vừa duy trì chất lượng vừa nâng cao giá trị cho nông sản” - bà Hạnh nêu giải pháp.

Tuy nhiên, việc này không chỉ là trách nhiệm của nông dân mà cần sự định hướng và hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Cơ quan quản lý không chỉ đề ra chủ trương, chiến lược mà phải thúc đẩy triển khai trong thực tế và giám sát tiến độ, kết quả theo từng giai đoạn cụ thể.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị, Nhà nước và ngành nông nghiệp cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích nông dân tham gia các hình thức sản xuất tập thể như hợp tác xã, nông trường, nông trại để hình thành các vùng cây trồng tập trung, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng.

Chỉ có sản xuất quy mô lớn mới có thể đẩy mạnh ứng cụng cơ giới hóa, các kỹ thuật cao và duy trì giám sát thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn, giúp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành mà vẫn đảm bảo chất lượng nông sản.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ bảo quản và chế biến sâu, tiến tới xây dựng chuỗi giá trị kéo dài từ nông trại đến bàn ăn bằng cách kết nối từ sản xuất-thu hoạch-bảo quản-chế biến-phân phối-tiêu dùng.

Phát triển nguyên liệu nội địa

Ông Đặng Tuấn Tú, đại diện Công ty Changshin Việt Nam cho biết, hiện nguồn nguyên liệu sản xuất xuất khẩu chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên theo cam kết của EVFTA, doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi về thuế, hàng hóa phải đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu được sản xuất trong phạm vi các nước thành viên EVFTA hoặc nhập nguyên liệu từ các nước đã có EVFTA với EU.

Chính vì vậy, công ty đã phải ưu tiên nâng tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu vào EU, phần nguyên liệu Trung Quốc chỉ sản xuất cho các thị trường không yêu cầu về nguồn gốc nguyên liệu.

Từ chỗ nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu thì trong vài năm gần đây, nhờ hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do, một số doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho ngành giày da đã mở nhà máy ở Việt Nam. Tuy nhiên số lượng và quy mô nhà máy sản xuất nguyên liệu thuộc da còn ít, khó có thể đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu - ông Tú cho hay.

Theo Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, việc chủ động nguyên phụ liệu ngành da giày đã được các doanh nghiệp đặt vấn đề từ lâu nhưng thực tế để kêu gọi đầu tư là không dễ. Trong khi doanh nghiệp sản xuất trong nước không đủ tài chính để đầu tư thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp trở ngại về vấn đề môi trường.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, việc một vài doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu không giải quyết được nhu cầu thực tế, do đó nhà nước cần có chiến lược phát triển nguyên phụ liệu cụ thể.

Để giải quyết đồng bộ nhu cầu nguyên liệu và đảm bảo vệ sinh môi trường, các bộ ngành cần quy hoạch được vùng, khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành công nghiệp da giày và cả dệt may. Đồng thời, có cơ chế chính sách ưu đãi thuế quan tốt hơn đối với các dự án đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ mới có thể giải quyết nút thắt về vấn đề quy tắc xuất xứ, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới như EVFTA.

Cùng chung ý tưởng, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, muốn giảm lệ thuộc nguồn cung từ nhập khẩu và tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan đối với hàng dệt may, da giày Chính phủ và các Bộ ngành cần nhanh chóng đầu tư khu công nghiệp riêng cho sản xuất nguyên phụ liệu.

Do đặc thù phải xử lý hóa chất nên ngành công nghiệp thuộc da và dệt nhuộm, đặc biệt là nhuộm thường bị gắn với định kiến gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu không tìm cách khắc phục điểm yếu đó thì Việt Nam chỉ có thể tận dụng nhân công giá rẻ để gia công trong thời gian ngắn mà không bao giờ xây dựng được chuỗi giá trị và thương hiệu cho hàng dệt may, da giày.

“Trong bối cạnh tranh thu hút đầu tư từng đồng, Việt Nam không thể ỷ lại và khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng các cơ chế, chính sách chung chung về thuế hay thủ tục hành chính. Thay vào đó, Nhà nước cần kích cầu bằng cách đầu tư cho khu công nghiệp chuyên về nguyên phụ liệu một cách bài bản, có hệ thống xử lý chất thải khép kín, đạt chuẩn, kết nối giao thông thuận lợi với các đơn vị sử dụng nguyên liệu và mời gọi nhà đầu tư nước ngoài đưa công nghệ, máy móc tới để sản xuất” - bà Mai nêu quan điểm.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, lợi thế so sánh cho Việt Nam tại EU sẽ không kéo dài mãi vì nhiều quốc gia khác cũng đã có những động thái tiến đến đàm phán thương mại tự do với EU để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này. Do đó, cần sự tương tác kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị với cộng đồng doanh nghiệp trong việc tận dụng “giai đoạn vàng” ngay khi EVFTA có hiệu lực để đẩy mạnh xuất khẩu, củng cố vị thế của hàng Việt Nam ở thị trường EU.

Nguồn: Vietnamplus.vn


Tin liên quan