• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
  • text_none_author
  • 24/12/2015
  • 90
Hoạt động xuất khẩu tỉnh Bến Tre: 5 năm nhìn lại

Hoạt động xuất khẩu tỉnh Bến Tre: 5 năm nhìn lại

(Cập nhật: 24/12/2015)

Trong giai đoạn 2011-2015, tình hình kinh tế trong nước và thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước sụt giảm mạnh, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Bến Tre vẫn có sự tăng trưởng tốt và đạt được những kết quả rất khả quan. 

Để thực hiện mục tiêu phát triển xuất khẩu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IX và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre khóa VII, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành Chương trình phát triển xuất khẩu giai đoạn 2011- 2015. Qua 5 năm thực hiện, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã đạt trên 2.589,4 triệu USD, đạt 136,28% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và đạt gần 103,6% so với mục tiêu của chương trình phát triển xuất khẩu, tốc độ phát triển bình quân 20,13%/năm, vượt so với mục tiêu của Chương trình phát triển xuất khẩu.

Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu được 1.405 triệu USD, tốc độ tăng trưởng cao bình quân gần 40,4%/năm, chiếm tỷ trọng gần 54,3% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đạt 1.184 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,78%/năm, chiếm tỷ trọng 45,7% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh, tuy tốc độ tăng chậm nhưng giá trị gia tăng cao và bền vững.

Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng đúng hướng, nhóm hàng CN-TTCN xuất khẩu được 2.143 triệu USD, tốc độ phát triển trên 25%/năm, chiếm 82,75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đạt gần 122,8% so với mục tiêu của chương trình đã đề ra. Nhóm hàng này có sự tăng trưởng cao do có sự phát triển của các mặt hàng gia công như như hàng dệt may, bộ dây điện dùng cho ô tô, lưới bảo hộ lao động, túi xách và giày dép. Bên cạnh đó, ngành chế biến các sản phẩm từ dừa cũng có đóng góp khá lớn với kim ngạch xuất khẩu đạt 737 triệu USD, tốc độ phát triển bình quân trên 15%/năm, chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với nhiều chủng loại sản phẩm xuất khẩu đa dạng. Đến nay đã có hơn 30 mặt hàng sản xuất từ trái dừa được xuất khẩu sang các nước, từ đó giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng thô, nâng cao giá trị gia tăng cho trái dừa, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân trồng dừa và tăng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh như: cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, bột sữa dừa, than hoạt tính, các sản phẩm từ chỉ xơ dừa…Tuy nhiên, nhóm hàng thủy sản xuất khẩu chỉ đạt 292,53 triệu USD, tốc độ tăng trưởng  6,86%/năm, chiếm 11,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh và đạt trên 57,9%. Nguyên nhân do giá xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm trên 2,92%/năm và lượng hàng xuất khẩu của các mặt hàng này đều không đạt so với mục tiêu của chương trình. Nhóm hàng nông sản xuất khẩu được trên 154 triệu USD, giảm gần 12%/năm, chiếm gần 6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đạt trên 61,6% so với mục tiêu chương trình đã đề ra. Nhóm hàng này không đạt mục tiêu của chương trình do mặt hàng gạo gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ không đạt chỉ tiêu đã đề ra và giá xuất khẩu mặt hàng gạo giảm 4,21%/năm và giảm xuất khẩu một số hàng thô chưa qua chế biến.

           Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống có xu hướng giảm như: kẹo dừa xuất khẩu được 32.435 tấn, giảm 7,68%/năm do thị trường tiêu thụ không phát triển và nguyên liệu là dừa trái không cạnh tranh lại với các sản phẩm cao cấp; chỉ xơ dừa xuất khẩu được 355.759 tấn, giảm 3,22%/năm là hàng sơ chế, gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ; than thiêu kết xuất khẩu được 18.114 tấn, giảm hơn 47%/năm do có sản phẩm thay thế là nguyên liệu sản xuất than hoạt tính; thạch dừa xuất khẩu được 10.545 tấn, giảm gần 12,7%/năm do chất lượng sản phẩm chưa cao, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.

Hàng dệt may xuất khẩu được trên 285 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 13,69%/năm; thị trường xuất khẩu khá ổn định nhưng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu giá trị gia tăng thấp và không ổn định; Bộ dây điện dùng cho ô tô xuất khẩu được 618 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 36,7%/năm phát triển rất nhanh; Lưới bảo hộ động gia công cho Nhật Bản thực hiện được 187 triệu USD, tốc độ tăng trưởng 10,7%/năm là những mặt hàng có thị trường ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

          Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 70 doanh nghiệp trực tiếp tham gia chế biến và xuất khẩu, tăng 18 doanh nghiệp so với năm 2011. Trong đó có 15 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng 02 doanh nghiệp so với năm 2011; có 10 dự án mới đầu tư trong giai đoạn này vốn đầu tư trên 833,2 tỷ đồng và đạt trên 103,2 triệu USD, nâng công suất các nhà máy chế biến thủy sản, các nhà máy chế biến dừa và hàng dệt may. Năng lực sản xuất mới tăng thêm trong 5 năm qua của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre được nhận định là tăng trưởng khá, đáng chú ý: sản phẩm bộ dây điện xe ô tô tăng 67% do công ty FASV mở rộng quy mô sản xuất; sản phẩm thủy sản đông lạnh tăng 30% do có 3 doanh nghiệp mới đầu tư với quy mô khá là Công ty Hải Hương, Công ty cổ phần CP Việt Nam, Công ty thủy sản Gò Đàng đi vào hoạt động; may mặc công suất tăng thêm 20,65%, cơm dừa nạo sấy công suất tăng thêm 11,21%.

Việc củng cố và phát triển sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu cũng được các ngành, các địa phương và nhà đầu tư quan tâm, các doanh nghiệp không ngừng phát triển về số lượng và quy mô hoạt động; doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư trang thiết bị tiên tiến, mở rộng sản xuất; doanh nghiệp dân doanh sản xuất hàng xuất khẩu trong nước được hình thành và phát triển.  Theo đó, năng lực cạnh tranh của sản phẩm từng bước được cải thiện, chất lượng ngày càng được nâng lên. Trong 5 năm qua, Bến Tre đã triển khai hỗ trợ cho 12 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới thiết bị công nghệ, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 23,3 tỉ đồng; hỗ trợ hơn 2 tỉ đồng để xây dựng và phát triển 8 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc sản của địa phương và 10 nhãn hiệu thông thường; hỗ trợ 19 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng và chứng nhận hợp chuẩn hợp quy…

Trong 5 năm qua, thị trường xuất khẩu truyền thống được giữ vững và phát triển thêm thị trường mới, năm 2011 hàng hóa của Bến Tre xuất khẩu sang 70 nước và vùng lãnh thổ, đến năm 2015 xuất khẩu sang 105 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, các nước Châu Á, Châu Mỹ và Châu Đại Dương có tốc độ tăng trưởng cao và tương đối ổn định, tăng bình quân trên 25%/năm, các nước Châu Âu và Châu Phi tăng bình quân 10%/năm.

Song song với phát triển xuất khẩu, công tác phát triển vùng nguyên liệu tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng được các ngành, các cấp quan tâm. Cây dừa là một trong những cây chủ lực của tỉnh phát triển mạnh, UBND tỉnh đã ban hành chương trình phát triển ngành dừa, triển khai thực hiện các dự án nhằm xây dựng vùng nguyên liệu dừa phục vụ cho chế biến xuất khẩu như: dự án cải tạo vườn dừa kém hiệu quả, đã hỗ trợ cải tạo 316.5 ha vườn dừa có hiệu quả kinh tế thấp, đồng thời xây dựng mô hình vườn dừa mẫu diện tích 55 ha, dự án thiết lập vườn dừa giống, phát triển trồng mới 90ha vườn dừa đạt tiêu chuẩn vườn dừa giống.Qua thực hiện chương trình, dự án đã góp phần tăng diện tích và sản lượng dừa trái, năm 2011 diện tích 55.870 ha, sản lượng 427.862 tấn, đến năm 2015 tăng lên diện tích 68.167 ha, sản lượng 562.110 tấn, bước đầu hình thành mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa trái nhằm tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, giảm các tầng nấc và chi phí trung gian, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

Việc tạo nguồn nguyên liệu thủy sản để tạo nguồn hàng cho chế biến xuất khẩu trong thời gian qua cũng luôn được tỉnh quan tâm. Đối tượng nuôi tập trung vào các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm chân trắng, nghêu, cá tra và tôm càng xanh nhằm tạo nguồn nguyên liệu sạch, bền vững cung ứng cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển nuôi thủy sản với diện tích nuôi 46.750 ha, tăng 3.677 ha so với năm 2011. Trong đó nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh diện tích xoay vòng 8.850 ha và cá tra thâm canh 730 ha. Tổng sản lượng nuôi 251.500 tấn, tăng 56.472 tấn so với năm 2011; trong đó, sản lượng tôm sú 47.400 tấn, cá tra 170.000 tấn, con nghêu 4.500 tấn.

         Hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tăng quy mô và tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu. Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cơ cấu mùa vụ chuyển đổi phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu từng vùng sinh thái, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bên cạnh đó, một số loại cây ăn trái như chôm chôm, bưởi da xanh được đầu tư quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc không sử dụng phân và thuốc hóa học hướng tới xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ, EU… Riêng con nghêu Bến Tre đã được Hội đồng biển Quốc tế cấp chứng nhận MSC là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, Sở Công thương Bến Tre cũng nhìn nhận, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh nhưng các nhóm hàng phát triển chưa đều và thiếu bền vững, nhóm hàng CN-TTCN kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nhưng nhiều mặt hàng trong nhóm này là hàng gia công, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu nên giá trị gia tăng thấp như: hàng dệt may, bộ dây điện và lưới bảo hộ lao động. Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự đa dạng nhưng hàng gia công còn chiếm tỷ trọng cao, các sản phẩm từ dừa và thủy sản mặc dù có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, nhóm hàng thủy sản tăng chậm, mặt hàng tôm có nguồn nguyên liệu nhưng trong nhiều năm không xuất khẩu được. Thị trường xuất khẩu tuy có phát triển nhưng thiếu ổn định. Năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh còn yếu phần lớn có quy mô nhỏ và vừa khả năng về tài chính, thu thập thông tin, kinh nghiệm trên thương trường quốc tế còn nhiều hạn chế nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm còn yếu. Bên cạnh đó, sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp chưa tốt nên khả năng tìm kiếm mở rộng thị trường còn hạn chế, chất lượng tăng trưởng thiếu bền vững. Điều này, tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho phát triển xuất khẩu của tỉnh Bến Tre giai đoạn tới.

Để tiếp tục phát triển hoạt động xuất khẩu, Sở Công thương Bến Tre sẽ chú trọng tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu ở nhóm hàng thủy sản và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và giảm dần tỷ trọng hàng nông sản; Tích cực, chủ động nghiên cứu để khai thác các Hiệp định thương mại; Củng cố và giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, phát triển các thị trường tiềm năng hiện có, đồng thời thâm nhập thêm thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp; Có kế hoạch triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới để tạo thêm quỹ đất sạch./.

Nguồn: QLXNK