• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

Tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

(Cập nhật: 22/07/2019)

Thực hiện Kế hoạch số 3158/KH-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh vtổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Sở Công Thương thực hiện báo cáo kết quả như sau:

Giai đoạn 2005 – 2019, Sở Công Thương đã triển khai xây dựng 18 quy hoạch phát triển ngành; triển khai xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt 03 đề án; xây dựng 09 chương trình; tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân ban hành 17 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan đến ngành, trong đó có 13 quyết định, 02 chỉ thị và 02 nghị quyết. Nhìn chung, đến nay công tác triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, chương trình của ngành đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như: 02 khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long giai đoạn I và II đã lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê; có 10 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 347,28 ha, đã cho thuê 80,51 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 42,08% diện tích đất công nghiệp; có 172 chợ phân bổ trên địa bàn tỉnh; có 01 trung tâm thương mại, 01 Trung tâm thương mại triển lãm, hội nghị và 02 siêu thị; có khoảng 400 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 650 cửa hàng bán LPG chai trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Hàng năm, đơn vị đều ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL), theo đó chỉ đạo Lãnh đạo các phòng và các đơn vị trực thuộc quán triệt, triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ theo dõi THPL cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị mình. Thường xuyên chỉ đạo cán bộ, công chức cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), rà soát những quy định không còn phù hợp để kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ hoặc bổ sung cho phù hợp, tránh chồng chéo gây khó khăn trong việc áp dụng. Tổ chức các hội nghị, hội thảo về thị trường, sản xuất và tiêu thụ muối sạch; các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức Hội nhập kinh tế quốc tế, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bồi dưỡng kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm; tập huấn an toàn điện, an toàn về vận chuyển hàng nguy hiểm; tập huấn với các chuyên đề về kỹ năng xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, phát triển và bảo vệ thương hiệu, nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, kỹ năng bán hàng,… nhằm trang bị kiến thức cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Việc áp dụng các văn bản QPPL nói chung và các văn bản thuộc lĩnh vực công thương nói riêng được đơn vị chú trọng quan tâm thực hiện, đảm bảo tính thống nhất, đúng đắn, chính xác khi áp dụng; thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính, hạn chế tối đa các vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Công tác xử lý vi phạm pháp luật từ năm 2005 đến hết tháng 6 năm 2019 của Sở Công Thương như sau: Số vụ thanh tra/kiểm tra: 17.669 vụ; số vụ vi phạm: 15.343 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 62.025.952.700 đồng; số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 13.604.219.350 đồng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, còn tồn tại một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân như sau: Quy định của một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa đầy đủ, thiếu tính khả thi hoặc chưa rõ ràng, chồng chéo nên gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như quá trình áp dụng pháp luật trong thực tế; biên chế trong lĩnh vực theo dõi THPL, pháp chế và lực lượng thanh tra chuyên ngành còn thiếu so với yêu cầu công việc; kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc THPL về xử lý vi phạm hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; đội ngũ báo cáo viên của Sở đều là kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian nghiên cứu, biên soạn tài liệu tuyên truyền, cũng như chưa chủ động được thời gian để tự nghiên cứu, trao dồi, nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế; nhận thức của người dân mặc dù có sự chuyển biến nhưng chưa cao, vẫn còn một số đối tượng vì lợi ích cá nhân mà cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm để trục lợi.

Để thực hiện hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn 10 năm, định hướng đến năm 2045 cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 48-NQ/TW; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án phát triển của ngành; tăng cường công tác xây dựng văn bản, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL nhằm kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo hoặc những quy định không có tính khả thi, khó thực hiện; đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; khai thác, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin nhằm đổi mới tiến độ, chất lượng và hiệu quả của quy trình xây dựng pháp luật; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác pháp luật; đồng thời huy động nguồn lực bảo đảm hoạt động và tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật./.

Nguồn: TT Sở – SCT