• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tổ chức Đoàn giám sát huyện Mỏ Cày Nam về thực hiện Chương trình Dừa
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện MC Nam - Nguồn: Phòng KHTCTH

Tổ chức Đoàn giám sát huyện Mỏ Cày Nam về thực hiện Chương trình Dừa

(Cập nhật: 21/05/2019)

Ngày 10/5/2019, Ban Điều phối (BĐP) Chương trình dừa tổ chức Đoàn giám sát đến làm việc UBND huyện Mỏ Cày Nam về tình hình triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020. Ông Nguyễn Văn Niệm – Phó GĐ Sở Công Thương làm trưởng đoàn, cùng đại diện các sở ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Hiệp Hội dừa.

 

 

                Theo báo cáo của UBND huyện Mỏ Cày Nam: Toàn huyện hiện có 16.986 ha trồng dừa, trong đó, diện tích thu hoạch đạt trên 15.000ha, năng suất 11.400 trái/ha (cao nhất tỉnh), sản lượng bình quân trên 150 triệu trái/năm; có 1.636 ha cây ăn trái trồng xen trong vườn dừa, , trong đó có 469 ha bưởi Da Xanh trồng xen.

Về giống: tuyển chọn, quản lý công tác sản xuất giống, xây dựng tiêu chuẩn các giống dừa, đặc biệt chú trọng công tác tuyển chọn các cây đầu dòng, xây dựng vườn dừa giống gốc trọng điểm của các giống dừa địa phương. Hiện tại, các doanh nghiệp (DN) chế biến dừa trong tỉnh đã thực hiện liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện để tiêu thụ dừa trái, bước đầu sản xuất theo hướng hữu cơ, với diện tích hơn 1.000 ha, tại các xã An Định, An Thới, Ngãi Đăng, Tân Trung, Phước Hiệp, Bình Khánh Đông, …

                Năm 2018, giá trị sản xuất của ngành chế biến dừa đạt 813 tỷ đồng, chiếm 36,4% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Toàn huyện có khoảng 20 DN, 552 cơ sở sản xuất, chế biến dừa với các sản phẩm chủ yếu như: chỉ xơ dừa, mụn dừa, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, than thiêu kết, thạch dừa, hàng TCMN từ dừa…Ngoài ra, để phát triển ngành dừa theo hướng bền vững, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chỉ xơ dừa giai đoạn 2017-2020 nhằm tạo liên kết giữa các hộ sản xuất chỉ xơ dừa với các doanh nghiệp xuất khẩu hỗ trợ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

                Bên cạnh đó, huyện rất chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng như cầu, đường, điện, viễn thông…để hỗ trợ phát triển làng nghề CN-TTCN tại xã An Thạnh. Hiện nay, huyện cũng đã quy hoạch xong Cụm công nghiệp Thành Thới B để thu hút đầu tư, trong đó có ngành sản xuất chế biến dừa.

Nhìn chung, công tác triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa đến năm 2020 được địa phương chủ động, tích cực thực hiện, nhiều chương trình, dự án được triển khai thực hiện: công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được duy trì tốt; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư; các nguồn lực phục vụ cho phát triển sản xuất được huy động khá đồng bộ, công tác kêu gọi đầu tư, tìm đầu ra sản phẩm, tạo kết nối thu mua nguyên liệu nông sản dừa trong dân, đào tạo nghề… góp phần nâng cao giá trị tăng thêm cho ngành sản xuất chế biến dừa trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

                Tuy nhiên, sản xuất chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm còn thấp, các sản phẩm sản xuất ra chủ yếu ở dạng thô, các DN chậm đầu tư đổi mới máy móc, trang thiết bị; hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ trong đề án chuỗi giá trị chỉ xơ dừa còn nhiều khó khăn, bị tác động bởi cơ chế thị trường; quy mô đầu tư nhỏ lẻ, mang tính thời vụ; đầu vào và đầu ra của chuỗi liên kết còn nhiều khâu trung gian; các sản phẩm làm từ dừa có phong phú và đa dạng, tuy nhiên số lượng, chất lượng để xuất khẩu chưa đạt yêu cầu.

Để tiếp tục triển khai Chương trình dừa đạt kết quả tốt, Thường trực BĐP đề nghị UBND huyện Mỏ Cày Nam tiếp tục quan tâm thực hiện: Tuyên truyền thêm cho người dân hướng tới liên kết chuỗi; quan tâm phát triển các HTX, THT liên kết hình thành vùng nguyên liệu dừa ổn định cung cấp cho doanh nghiệp; sớm triển khai cụm công nghiệp Thành Thới B để thu hút kêu gọi đầu tư, xây dựng quỹ đất có kết cấu hạ tầng, phát triển chế biến trên nền chế biến dừa. Chủ động, phối hợp với các ngành phát triển thêm các mô hình tăng thu nhập người dân.

Đồng thời, Đoàn giám sát được huyện giới thiệu tham quan và làm việc Công ty TNHH MTV XNK dừa Liên Thành. Đây là công ty chuyên xuất khẩu dừa trái và chỉ xơ dừa.  Qua đó, Đoàn nắm thêm tình hình thu mua nguyên liệu dừa trái, thị trường xuất khẩu, đặc biệt những khó khăn khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc hiện nay./.

Nguồn: Phòng KHTCTH