• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thực trạng và giải pháp nâng cao an toàn thực phẩm ngành công thương tỉnh Bến Tre năm 2019 - định hướng đến năm 2020
Hình: Hiện trạng cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Bến Tre (Nguồn: P. KTATMT)

Thực trạng và giải pháp nâng cao an toàn thực phẩm ngành công thương tỉnh Bến Tre năm 2019 - định hướng đến năm 2020

(Cập nhật: 31/03/2020)
Thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và là đòi hỏi chính đáng của mọi người dân. Vấn đề về an toàn thực phẩm (ATTP) đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm; cụ thể qua các văn bản pháp luật như: Luật an toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, Thông tư số 45/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương,… và các quyết định hằng năm của Sở Công Thương tỉnh Bến Tre về việc thành lập đoàn kiểm tra chất lượng, ATTP các sản phẩm thuộc phạm vi ngành quản lý; qua đó sẽ nâng cao công tác quản lý và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2019
Trong năm 2019, ATTP được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Công Thương Bến Tre. Sở đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-SCT ngày 16 tháng 7 năm 2019 về việc thành lập Đoàn kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh và chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất sản phẩm rượu và Quyết định số 147/QĐ-SCT ngày 16 tháng 7 năm 2019 về việc thành lập Đoàn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm chế biến bột, tinh bột bánh, mứt và kẹo; xây dựng kế hoạch cụ thể thành lập đoàn liên ngành để thực hiện các Quyết định này và đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Tổng số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được kiểm tra là 68; trong đó có 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm từ tinh bột, mứt, kẹo (chiếm 88,2%) và 08 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rượu thủ công (11,2%). Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc ngành Công Thương Bến Tre quản lý thuộc nhóm nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất thủ công và lạc hậu. Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề chính: (1) Hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến sản phẩm và công nhân tham gia sản xuất; (2) hiện trạng đảm bảo ATTP của doanh nghiệp, cơ sở; (3) lấy mẫu thử nghiệm kiểm tra sự phù hợp với công bố hợp quy bao gồm bản tự công bố sản phẩm hoặc quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm.
Đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ tinh bột, kẹo mứt, kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có 66,6% (40/60) doanh nghiệp, cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm; còn lại 33,4% (20/60 doanh nghiệp, cơ sở) là chưa thực hiện tốt các quy định. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rượu và đồ uống có cồn, đoàn đã kiểm tra, lấy mẫu ngẫu nhiên 4 cơ sở để kiểm nghiệm và kết quả chỉ đạt 50% số mẫu phù hợp với bản tự công bố sản phẩm. Nhìn chung, qua kiểm tra thực tế tại địa bàn cho thấy việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế; điều này có thể là do một số nguyên nhân cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ doanh nghiệp, cơ sở chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về quản lý doanh nghiệp; điều này đã dẫn đến những sai phạm rất cơ bản như thông tin in trên nhãn, bao bì sản phẩm chưa phù hợp với bản tự công bố sản phẩm; giấy tờ, hoá đơn và hợp đồng mua bán liên quan sản phẩm chưa được lưu giữ đầy đủ; chưa có phiếu kiểm nghiệm chất lượng nước cấp phục vụ sản xuất,…
Thứ hai, các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn thuộc quy mô hộ gia đình, diện tích nhà xưởng nhỏ cho nên việc tách biệt khu vực sản xuất và khu vực sinh hoạt gia đình chưa rõ ràng và chưa đảm bảo được quy định về đảm bảo vệ sinh ATTP.
Thứ ba, thiếu lực lượng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ lẻ. Công nhân tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp và cơ sở này thay đổi thường xuyên; vì vậy việc đào tạo kiến thức về ATTP cho các công nhân này gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế cho thấy lỗi vi phạm về thiếu giấy khám sức khoẻ, giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp và cơ sở vi phạm. Hơn nữa, do thiếu kiến thức về ATTP, công nhân có thói quen sản xuất theo lối truyền thống vì vậy họ đã không tự giác sử dụng đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động hoặc dụng cụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như khẩu trang, găng tay, tạp dề…; đây cũng là lỗi xảy ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn.
Giải pháp nâng cao an toàn thực phẩm ngành công thương
Nâng cao chất lượng nguồn lực: Nâng cao hiểu biết và năng lực về quản trị, quản lý kinh doanh, quản trị chiến lược của người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở thông qua việc thường xuyên cập nhật thông tin, tri thức mới và những kỹ năng quản trị, quản lý doanh nghiệp và kỹ năng lãnh đạo,… Sở Công thương sẽ kết nối các doanh nghiệp, cơ sở này với Trung tâm xúc tiến đầu tư, Trung tâm xúc tiến thương mại, Chi cục An toàn thực phẩm để tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng quản trị, quản lý doanh nghiệp, tập huấn về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và công bố sản phẩm,…
Hỗ trợ tài chính và thuế: Các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn chủ yếu quy mô hộ gia đình, diện tích nhà xưởng nhỏ; cho nên cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào các doanh nghiệp, cơ sở này thông qua các Quỹ đầu tư doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế bảo hiểm doanh nghiệp…; chính sách ưu đãi thuế suất cho các doanh nghiệp… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở mở rộng quy mô sản xuất.
Cân đối cung – cầu về lao động: Xây dựng hệ thống thông tin ngày càng đầy đủ hơn về kết nối cung – cầu lao động và dự báo thông tin thị trường nhằm kết nối giữa nơi đào tạo lao động và nơi sử dụng nguồn lực lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm Bến Tre sẽ là nơi kết nối giữa người lao động và nơi cần sử dụng lao động, kịp thời cung ứng lực lượng lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở đang thiếu nguồn lực lao động.
Tăng cường tuyên truyền kiến thức ATTP: Sở Công Thương cần phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, các quy định pháp luật về ATTP đến các doanh nghiệp, cơ sở đang hoạt động trên địa bàn; đồng thời, tăng tầng suất các lớp tập huấn kiến thức về ATTP nhằm giúp các doanh nghiệp kịp thời đăng ký tham gia khi có nhu cầu.
Tóm lại, thực phẩm an toàn có đóng góp rất lớn đến sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm từ tinh bột, kẹo mứt, sản xuất rượu và đồ uống có cồn trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong việc thực hiện các quy định về ATTP. Do vậy, trong năm 2020, Sở Công Thương sẽ định hướng đặt vấn đề về đảm bảo ATTP trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch thực hiện; cụ thể: tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng tuyên truyền các quy định về ATTP; đảm bảo hướng dẫn kịp thời cho các doanh nghiệp, cơ sở thuộc ngành quản lý thực hiện tốt các thủ tục và các quy định về ATTP.
Nguồn P.KTATMT