• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Thạnh Phú: Khởi nghiệp thoát nghèo từ nghề cơm cháy ngọt

(Cập nhật: 13/08/2020)
Từ món ăn chơi những lúc thời gian rãnh, cơm cháy ngọt đã được chị Nguyễn Thị Sảnh, 52 tuổi ở ấp An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú chọn làm sản phẩm khởi nghiệp thoát nghèo, qua đó giúp cuộc sống gia đình ngày ổn định hơn. 

Lúc mới khởi nghiệp,chị Sảnh đã trải qua nhiều lần thất bại nhưng bằng sự quyết tâm và tin thần tìm tòi học hỏi nên sau hơn 01 năm hoạt động lò cơm cháy ngọt Trúc Vy của gia đình chị được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết đến. Đến nay hai sản phẩm là cơm cháy ngọt và kẹo đậu phộng do cơ sở chị làm ra được đông đảo khách hàng ưa chuộng, đây có thể coi là thành công bước đầu.

Chị Sảnh chia sẻ lúc trước gia đình gặp khó khăn do nuôi tôm công nghiệp thất bại, chồng chị là anh Nguyễn Hữu Hường thì bị bệnh thoái hóa cột sống, không thể làm việc nặng; gia đình là hộ cận nghèo của xã. Nay nhờ làm cơm cháy ngọt mà cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều.

Hiện nay, do nhu cầu khá nhiều nên chị Sảnh không chỉ bỏ mối ở các tiệm tạp hóa trong huyện mà còn giao bánh, kẹo ở huyện Ba Tri và tận tỉnh Trà Vinh, lúc đầu các mối lấy ít sau thì lấy nhiều lên, có khi không đủ bánh để giao. Mỗi ngày cơ sở làm ra khoảng hơn 500 sản phẩm cơm cháy ngọt và  200 cây kẹo đậu phộng. Chị đem giao cho các nơi, lấy giá 8.000 đồng mỗi sản phẩm. Tùy theo giá cả các nguyên liệu từng thời điểm mà có lời nhiều hay ít. Tuy nhiên, khó khăn của cơ sở hiện nay là vào mùa mưa không đủ bánh giao do không phơi cơm được và rất cần máy sấy, tuy nhiên do thiếu vốn, gia đình cũng chưa mạnh dạng tìm hiểu để mua sắm.

Chị Nguyễn Thị Xuyến, 42 tuổi, cũng ở ấp An Thạnh, xã An Thạnh cũng đã gắn bó với nghề làm cơm cháy ngọt hơn 5 năm nay, chị Xuyến cho biết: “Lúc trước hai, ba ngày mới làm bốn, năm chục; nay có khi ngày trăm, hai trăm”. Nhờ nghề làm cơm cháy, cộng với làm thêm một số công việc khác như: bó chổi bông cỏ, chăn nuôi bò và nghề cào mà cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, lo cho các con ăn học.

Tuy các cơ sở cơm cháy ngọt đã đạt được một số thành công nhất định và tạo ra công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn xã An Thạnh nhưng nhìn chung quy mô vẫn còn nhỏ và các cơ sở vẫn chưa mạnh dạng trong việc mở rộng sản xuất do thiếu vốn đầu tư, nhất là máy móc nhằm giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm làm ra. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, tiếp sức của các ngành, các cấp để các cơ sở vượt qua những trở ngại, vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Chị Võ Thị Thu Oanh – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Thạnh cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã hỗ trợ cho chị em hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, hộ phụ nữ khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế để chị em khởi nghiệp. Ở xã An Thạnh chị em có các mô hình khởi nghiệp như là kết cườm, đan dây nhựa, may gia công; đặc biệt mô hình khởi nghiệp cơm cháy ngọt địa bàn ấp An Thạnh thì có 5 hộ làm, mô hình giúp chị em có thu nhập ổn định, đối với những hộ nghèo, cận nghèo có khả năng thoát nghèo trong thời gian tới”.

Dù quy mô sản xuất, kinh doanh chưa lớn nhưng có thể thấy nghề làm cơm cháy ngọt ở xã An Thạnh đã giúp cho nhiều gia đình có cuộc sống tốt hơn và với sự quan tâm, tiếp sức của các ngành, các cấp sẽ giúp thương hiệu của sản phẩm vươn xa, được nhiều khách hàng trong và ngoài huyện biết đến, ngày càng được mở rộng và phát triển./.
Nguồn: Văn Minh