• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Phát triển ngành công nghiệp ưu tiên: Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm
Công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô được ưu tiên phát triển

Phát triển ngành công nghiệp ưu tiên: Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm

(Cập nhật: 18/08/2020)
Thời gian qua, ngành công nghiệp Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng cao, tuy nhiên, giá trị tạo ra vẫn thấp.
 


Nội lực ngành công nghiệp còn yếu

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam. Theo đó, nội lực của các ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng nước ngoài; không tự chủ được yếu tố đầu vào của sản xuất, phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP thay đổi chậm (khoảng 18%), vẫn ở mức thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa và các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nội lực và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp còn yếu, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp công nghiệp rất ít (cả nước chỉ có gần 80.000 doanh nghiệp chế biến, chế tạo), khả năng tài chính và công nghệ hạn chế.

Báo cáo chỉ ra, năm 2019, ngành điện - điện tử nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử; trong đó, nhập từ Hàn Quốc 16,8 tỷ USD, Trung Quốc 13,8 tỷ USD, Nhật Bản 1,7 tỷ USD. Ngành dệt may và da giày - túi xách nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ sợi, 12,69 tỷ USD vải các loại và khoảng 5,61 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày; trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc 1,32 tỷ USD xơ sợi, 7,73 tỷ USD vải và 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày; nhập khẩu từ Hàn Quốc 2,02 tỷ USD vải và 0,71 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Ngành sản xuất, lắp ráp ôtô nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện; trong đó từ Trung Quốc 0,7 tỷ USD, Hàn Quốc 1,14 tỷ USD, Nhật Bản 0,72 tỷ USD.

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp - đánh giá, tình trạng nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác kéo dài nhiều năm, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp, dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt từ Trung Quốc và Hàn Quốc; trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa vẫn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể.

Đến nay, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt hơn 50% và 37%. “Ngược lại, một số nước ASEAN, giá trị gia tăng trong thương mại đang thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và sự phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong dài hạn, nền kinh tế vốn có độ mở lớn, dễ chịu tổn thương và nhạy cảm với những biến động từ bên ngoài” - ông Trương Thanh Hoài cho hay.

Tăng cường chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

Để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo đạt mục tiêu đã được Chính phủ giao về cơ cấu lại nền kinh tế đối với ngành Công Thương, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án và Kế hoạch hành động thực hiện “Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, Bộ Công Thương đang tập trung vào một số giải pháp lớn nhằm khai thác các tiềm năng và thế mạnh, đưa nền công nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng và cơ hội phát triển như công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương cho rằng, cần thống nhất nguồn lực từ trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép cán nóng, sản xuất vải, dệt nhuộm hoàn tất vải, vật liệu mới..., khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu. Ông Trương Thanh Hoài gợi mở, cần tăng cường chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội, thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh phụ kiện) từ Trung Quốc và các quốc gia khác sang Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-TW về định hướng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030 để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên phát triển công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn: Congthuong.vn