• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

(Cập nhật: 05/05/2020)
“Làm sao để trong tuần này không còn xảy ra trường hợp khách hàng vay của các ngân hàng không nắm được chủ trương, tức tùy mỗi ngân hàng có giải pháp triển khai để khách hàng nắm rõ”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành nhấn mạnh tại buổi làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, các hiệp hội và doanh nghiệp (DN) vào sáng 21-4-2020 về tháo gỡ khó khăn cho DN.
Đồng hành cùng khách hàng
Thực hiện Thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam (ngày 13-3-2020), hầu hết các ngân hàng thương mại chi nhánh tỉnh đang chủ động, quyết tâm thực hiện hỗ trợ DN bị thiệt hại theo chủ trương của Chính phủ, của NHNN Việt Nam. Ông Vũ Hồng Dụ - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến ngày 17-4-2020, có 131 khách hàng với dư nợ 832,6 tỷ đồng bị ảnh hưởng, trong đó có 22 khách hàng có pháp nhân, DN. Hiện các chi nhánh tiếp tục phối hợp với khách hàng nắm tình hình và tiến hành thực hiện các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Theo ông Vũ Hồng Dụ, đối với khách hàng là cá nhân, ngân hàng xử lý miễn, giảm lãi vay 1 khách hàng, dư nợ 2,8 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 13 khách hàng, dư nợ 28,19 tỷ đồng; cho vay mới 24 khách hàng, dư nợ 24,15 tỷ đồng. Đối với pháp nhân, DN, ngân hàng tiến hành miễn, giảm lãi vay cho 1 khách hàng, dư nợ 5,45 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 3 khách hàng với dư nợ 2,8 tỷ đồng; cho vay mới 8 khách hàng, dư nợ 24,75 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với các trường hợp khách hàng bị thiệt hại do hạn mặn năm 2020.
 Phó giám đốc BIDV Chi nhánh tỉnh Bến Tre Vũ Thanh Hải khẳng định, ngân hàng luôn tích cực xử lý thông tin khách hàng. Tuy nhiên, ngân hàng yêu cầu sự hợp tác của khách hàng, DN cung cấp những thông tin hồ sơ, chứng từ hợp lý. Đồng thời, ngân hàng đề nghị các hiệp hội thông tin thêm về tình hình DN cho ngân hàng nắm bắt kịp thời để có giải pháp hỗ trợ, hợp lý.
Đại diện Ngân hàng Sacombank cũng cho biết, trong công tác xử lý hỗ trợ DN hiện nay còn gặp không ít khó khăn. Vì các DN của tỉnh còn rất nhỏ nên báo cáo tài chính chưa đồng bộ với báo cáo thuế, hoặc sơ xài. Theo số liệu cập nhật của Sacombank, tổng số lượng khách hàng DN là 204, trong đó 10 khách hàng gặp khó khăn, kiến nghị vay vốn.
Phối hợp thực hiện tốt Thông tư số 01
Ông Trần Anh Thuy - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết, đã xảy ra tình trạng tư vấn không rõ ràng, cụ thể cho khách hàng đề nghị hỗ trợ theo Thông tư số 01 của NHNN Việt Nam. Thời gian qua, có trường hợp cán bộ ngân hàng chưa chủ động thông báo cho DN về chính sách hỗ trợ. Các DN khá bức xúc, khi hỏi cán bộ ngân hàng thì chưa được giải thích rõ ràng, cụ thể.
Bà Trần Thị Xuân Duyên - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp cho biết, trung tâm đã có thông tin để DN khởi nghiệp nắm bắt nhưng hầu hết DN còn rất ngại, do hóa đơn, báo cáo tài chính chưa bài bản, nên việc hỗ trợ còn nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, chỉ có 1 DN đăng ký hỗ trợ. Trung tâm đang hỗ trợ giúp DN hoàn thành hồ sơ vay vốn.
DN Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đề xuất: Hầu hết các DN xuất khẩu trái cây cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, chúng tôi mong muốn các DN gặp khó khăn đều được hưởng chính sách ưu đãi như nhau. Giai đoạn này, DN sẽ có cơ hội nhìn lại những hạn chế của mình để có giải pháp khắc phục, củng cố và cần được hỗ trợ để khôi phục phát triển trong thời gian tới.
“Trong điều tra, khảo sát về thiệt hại do hạn mặn và dịch Covid-19, chính quyền địa phương cần phải phối hợp với ngân hàng thực hiện. Cần xác định đúng những DN nào thật sự gặp khó khăn nhưng có ý chí vươn lên”, ông Vũ Hồng Dụ đề xuất hướng tới.
Theo ông Lê Công Thành, trong tuần này, mỗi ngân hàng có giải pháp triển khai để khách hàng nắm rõ, hiểu đúng. Ngân hàng phải có thông tin đầy đủ từng trường hợp. Nơi nào thực hiện không đúng, khi bị kiểm tra phát hiện thì ngân hàng đó sẽ bị xử lý. Các ngân hàng thương mại chú ý ưu tiên, chịu khó hướng dẫn đối với các DN khởi nghiệp. Đây là những DN còn non nớt, rất cần sự quan tâm hỗ trợ.
“Ngân hàng tiếp tục lắng nghe thông tin từ các hiệp hội để nắm rõ, đầy đủ thông tin về DN. Trường hợp cán bộ, nhân viên ngân hàng nắm không rõ chủ trương, triển khai không đúng, tư vấn không đúng gây thiệt thòi hoặc tạo phiền hà cho DN thì cần phải xem lại năng lực của cán bộ đó, thậm chí xem xét cho nghỉ việc”, ông Thành khẳng định.

 

Thông tư số 01/2020 của NHNN Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo Điều 4, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc là số dư nợ gốc hoặc lãi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ như nêu trên được thực hiện trong các trường hợp: số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký, số dư nợ đã quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền kề sau 15 ngày kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.
Áp dụng cho cá nhân, tổ chức có doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng dịch Covid-19. Thời gian khoản vay có dư nợ gốc, trả lãi từ ngày 23-1-2020 đến ngày hết dịch, thêm 3 tháng. Thủ tục do tự mỗi ngân hàng quy định. Đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả gốc, lãi. Đối tượng được miễn, giảm lãi, phí: không có khả năng trả nợ do doanh thu, thu nhập ảnh hưởng bởi dịch.

Nguồn: BĐK