• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Họp góp ý dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030
Quang cảnh cuộc họp (Nguồn: QLCN)

Họp góp ý dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030

(Cập nhật: 19/11/2020)
Ngày 10/11/2020, Sở Công Thương đã tổ chức cuộc họp nhằm đóng góp ý kiến dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030. Ông Châu Văn Bình - Giám đốc Sở Công Thương chủ trì cuộc họp và đại diện các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Hiệp Hội dừa tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bến Tre, UBND các huyện, thành phố, Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố cùng tham dự.. 

Nhằm hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Công Thương tổ chức cuộc họp xin ý kiến đóng góp, thảo luận của các sở, ngành, các huyện, thành phố về việc đề xuất những ngành công nghiệp chủ lực, những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các đại biểu tham dự họp cũng có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực về kết quả đạt được của ngành sản xuất chế biến dừa, thủy sản và sự phát triển lực lượng doanh nghiệp trong thời gian qua; đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình: Tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, chú trọng đến vấn đề khoa học công nghệ, thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, xúc tiến đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ các ngành công nghiệp chế biến,…

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, ông Châu Văn Bình - Giám đốc Sở Công Thương đã kết luận: Sở Công Thương sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của các Sở, ngành, các huyện, thành phố để chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Chương trình: Rà soát lại số liệu về thực trạng cho phù hợp; đánh giá thực trạng ngắn gọn, súc tích, rút ra được những hạn chế, nguyên nhân để đề xuất các mục tiêu, giải pháp phát triển trong giai đoạn tới thật khả thi và sát hợp; đánh giá thêm tiềm năng phát triển một số ngành công nghiệp khác như: giết mổ, chế biến gia súc (bò, heo), chế biến tôm, hải sản khai thác, công nghiệp công nghệ thông tin (công nghiệp số, điện, điện tử); bổ sung thêm những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới; trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, phát triển lực lượng doanh nghiệp và doanh nghiệp dẫn dầu, theo Nghị quyết Đại hội của tỉnh, rà soát, tính toán xác định mục tiêu phấn đấu phù hợp cho từng lĩnh vực công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này; nghiên cứu bổ sung thêm các cơ chế, chính sách liên quan cần ban hành, thực hiện để đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình đạt kết quả tốt.

Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 hướng đến mục tiêu kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế tư nhân, lực lượng doanh nghiệp, tạo nền tảng kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Xây dựng các nhóm doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh, dẫn đầu về năng lực sản xuất, kinh doanh trên từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm; chủ động, tích cực tham gia chuỗi cung ứng thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chủ lực trên lĩnh vực chế biến dừa và thủy sản, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyên môn hóa cao, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu./                                                                                  
                                                                                   Nguồn: QLCN-SCT