• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt dịch Covid-19: Khoảng cách lớn từ chính sách tới thực tế
Toàn cảnh diễn đàn chính sách

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt dịch Covid-19: Khoảng cách lớn từ chính sách tới thực tế

(Cập nhật: 08/12/2020)
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ lên các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Phản ứng chính sách của Chính phủ là khá hợp lý, chủ trương chính sách là đúng đắn nhưng thiết kế chính sách có vấn đề, thực thi chính sách chưa thực sự suôn sẻ. Cần thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn trong hỗ trợ DN vừa và nhỏ để vượt qua đại dịch là vấn đề được các chuyên gia đặt ra.
 



Sáng ngày 8/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức diễn đàn chính sách với chủ đề: “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”.

Có khoảng 5.000 DN/tháng đã phải rời khỏi thị trường

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI- cho hay, tác động tiêu cực dịch Covid-19 khiến cộng đồng DN chịu tác động rất nặng nề, hoạt động kinh doanh đình đốn. Theo số liệu, đến tháng 11/2020, đã có khoảng 15 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng con số DN phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường đã lên tới 44 nghìn DN, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, trung bình mỗi tháng ở Việt Nam đã có trên 5.000 DN đã phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người.

Trong bối cảnh khó khăn, chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN và tập trung vào nhóm DN nhỏ và vừa. Trong đó có một số gói cơ bản như: Gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng về hỗ trợ tín dụng; 62.000 tỷ đồng về an sinh xã hội; 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động… Một bộ phận các chính sách đã phát huy tác dụng tốt, nhưng cũng còn bộ phận chính sách được thiết kế chưa thật sự bám sát thực tiễn của cuộc sống.

Tuy nhiên, việc thực thi chính sách cũng còn nhiều vấn đề băn khoăn. “Phản ứng chính sách của Chính phủ là khá hợp lý, chủ trương chính sách là đúng đắn nhưng thiết kế chính sách có vấn đề, thực thi chính sách chưa thực sự suôn sẻ. Các chính sách của chúng ta phải thực hiện trong trạng thái thời chiến hoặc bình thường mới chứ không phải trạng thái bình thường của ngày hôm qua, nhưng trên thực tế các thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà.”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Kết quả thực hiện chính sách khá chậm chễ, đến tháng 10/2020 chưa có DN nào nào vay được tiền từ gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ đồng, đến 27/11 có 75 DN được vay từ gói hỗ trợ này, kết quả này đáng chú ý nhưng chỉ đi vào thực tiễn sau khi Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành Quyết định 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cần khép lại khoảng cách giữa chính sách và thực thi

Thực tiễn cho thấy, những DN đang chịu tác động nghiêm trọng nhất từ dịch Covid-19 tại Việt Nam là các DN nhỏ, siêu nhỏ, các DN hoạt động trong lĩnh vực nghề nông nghiệp, địa bàn khó khăn. Đây là nhóm DN yếu thế đang chịu thiệt thòi. Do khó khăn về nguồn lực, nhóm DN này thường gặp khó khăn nhất là việc nắm bắt kịp thời các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, để từ đó tận dụng được các cơ hội nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Biết đến các chủ trương chính sách hỗ trợ từ nhà nước, tuy nhiên, theo ông Lê Việt Cường- Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art (Hà Nội), đến nay doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn và các gói hỗ trợ này. Các vướng mắc về thủ tục pháp lý là rào cản rất lớn để cho các doanh nghiệp siêu nhỏ như Vụn Art tiếp cận. Việc xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đóng cũng là một rào cản.

Theo số liệu khảo sát từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân và VCCI cho thấy, 78% DN được điều tra chưa nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, và có 1 tỷ lệ khá cao DN chưa biết đến các gói chính sách này. Như vậy, chủ trương chính sách tuyệt vời nhưng thiết kế chính sách chưa thực sự phản ánh được hơi thở cuộc sống và thực thi chính sách chưa suôn sẻ đối với một số giải pháp mà Chính phủ đã ban hành. “Việc thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi sẽ là một trong những vấn đề quan trọng trong biện pháp hỗ trợ của chính phủ đối với khu vực DN trong bối cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 cũng như với các thảm họa của thiên tai”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đánh giá cao Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/QĐ-TTg để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/QĐ-CP và Quyết định 15/2020 QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn cho dịch Covid-19, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ thời gian qua để có điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần thiết kế các hình thức hỗ trợ cần phù hợp với các DN từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Đặc biệt ưu tiên các DN có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình DN này. Cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để DN có đủ thời gian hoàn thành các khoản được hoãn, giãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thiểu về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị, cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập về hiệu quả thực thi của các chính sách hỗ trợ, cũng như tham vấn ý kiến của đối tượng bị tác động để đảm bảo tính khả thi của chính sách được ban hành. Cần phải tăng cường nỗ lực hợp tác giữa cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong cả việc định hình các chính sách và tổ chức thực thi chính sách.

Trong khuôn khổ diễn đàn, VCCI đã chính thức ra mắt trang thông tin điện tử về các chính sách, giải pháp của Nhà nước giúp hỗ trợ DN vượt qua dịch Covid-19 http://hotro.vibonline.com.vn/. Theo đó, trên trang web này sẽ cập nhật các gói hỗ trợ hiện hành của nhà nước dành cho các DN vượt qua Covid-19; Cập nhật các chính sách, thông tin hỗ trợ theo lĩnh vực ngành nghề của DN. Tìm kiếm các văn bản chính sách hỗ trợ theo Bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản. Tham gia các diễn đàn trao đổi về các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua Covid-19. Chia sẻ các kinh nghiệm tốt đã được áp dụng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước trong hỗ trợ DN vượt qua Covid-19…
 
Nguồn: congthuong.vn