• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động xúc tiến thương mại
Đặc sản trái cây của ĐBSCL giới thiệu tại các kênh phân phối TP. Hồ Chí Minh

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động xúc tiến thương mại

(Cập nhật: 23/07/2020)

Ngành Công Thương các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chủ động đẩy mạnh thực hiện hàng loạt các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) nhằm thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sau những ảnh hưởng khó khăn do dịch bệnh.    

 


Mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực do khủng hoảng từ dịch bệnh, nhưng Chính phủ và chính quyền các địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) vùng ĐBSCL đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế. Những tín hiệu kinh tế của vùng “ấm dần” trong bối cảnh bình thường mới đang làm cho cộng đồng DN trong vùng vững tin hơn. Mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,08% ở các tỉnh thành vùng ĐBSCL trong 6 tháng/2020 tuy thấp nhưng hiện đang dẫn đầu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng trong 6 tháng/2020 đạt 6,93 tỷ USD.

Khủng hoảng dịch bệnh đã làm đang ảnh hưởng tiêu cực tới việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung và các tỉnh thành vùng ĐBSCL nói riêng ra thị trường nước ngoài. Vì thế ngành Công Thương các địa phương và hiệp hội ngành hàng, DN đang thực hiện hàng loạt các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại (XTTM) để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - đến nay, ngành Công Thương đã chủ động thực hiện các hoạt động XTTM, thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ hàng hoá, tổ chức hội nghị cung - cầu với các tỉnh thành. Ngành Công Thương và các DN đã tham gia chương trình kết nối giao thương với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, kết nối cung cầu với Saigon Co.op, Big C... Trong bối cảnh hậu dịch bệnh, các hoạt động XTTM phải đổi mới nội dung, hình thức thực hiện, đi vào chiều sâu, tập trung phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh công tác truyền thông.

Đặc biệt, mới đây, tỉnh Đồng Tháp cũng đã chính thức đưa vào hoạt động “Trung tâm giới thiệu đặc sản và du lịch tỉnh Đồng Tháp tại TP. Hà Nội”. Với 50 DN tham gia trưng bày trên 200 sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp, mang đậm chất ĐBSCL. Để hỗ trợ triệt để cho các DN thực hiện XTTM, tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ 100% chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ văn phòng chia sẻ cho 40 DN khởi nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng trực tiếp tìm kiếm và lựa chọn đơn vị đối tác chiến lược tham gia hợp tác vận hành và đầu tư kinh phí nghiên cứu thị trường quảng bá xúc tiến, đẩy mạnh truyền thông cho các sản phẩm của tỉnh tại thị trường phía Bắc phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Tại TP. Cần Thơ, ngành Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động XTTM trực tuyến, kết nối chia sẻ thông tin của các thương vụ tại nước ngoài như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... cho các DN xuất khẩu để có thể nắm bắt thông tin và nhu cầu thị trường xuất khẩu sau đại dịch. Ngoài ra, Cần Thơ cũng tổ chức tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là EVFTA. Hướng dẫn DN tận dụng các ưu đãi, nhất là về quy tắc xuất xứ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Phối hợp thực hiện hỗ trợ tốt công tác mở rộng thị trường, thông tin dự báo thị trường trong và ngoài nước đến cộng đồng DN.

"Ngành Công Thương tỉnh Vĩnh Long cũng tập trung hỗ trợ DN, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện XTTM điện tử kết hợp với thương mại truyền thống. Thời gian qua, thông qua các kênh xúc tiến online, nhiều DN xuất khẩu của tỉnh đã ký được những đơn hàng xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây, nông sản. Đến nay, ngành Công Thương và các DN xuất khẩu cũng đã có những chuẩn bị sẵn sàng để có thể khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu nhất là khi EVFTA có hiệu lực thực thi từ đầu tháng 8/2020" - ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long - chia sẻ.

Có thể thấy, các hoạt động XTTM truyền thống bị ảnh hưởng nhất là hội chợ, triển lãm quốc tế, các đoàn giao dịch thương mại đều không thể tổ chức được do dịch bệnh. Vì thế các địa phương đã nhanh chóng hướng dẫn, khuyến khích các DN, tổ chức XTTM bằng các phương thức phù hợp thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin... Chú trọng kết nối hoạt động thông tin với các thương vụ ở nước ngoài, truyền thông quảng bá sản phẩm xuất khẩu, kết nối giao thương trực tuyến giữa các DN Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu...

Từ phía các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng đã chủ động cung cấp danh sách thị trường mục tiêu, mặt hàng có nhu cầu xúc tiến xuất khẩu theo đề xuất của các địa phương, hiệp hội ngành hàng để các đơn vị này nghiên cứu, triển khai hoạt động xúc tiến phù hợp, tìm khách hàng đáp ứng nhu cầu của các DN xuất khẩu trong bối cảnh bình thường mới.

Nguồn: Congthuong.vn