• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bộ Công Thương: Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương

Bộ Công Thương: Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

(Cập nhật: 16/07/2021)
Trong thời gian qua, công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
 


Từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương: Trong thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) tiếp tục được Bộ Công Thương hoàn thiện để triển khai hiệu quả công tác quản lý ATTP. Việc Bộ chủ động, phối hợp thực hiện rà soát, hệ thống hóa thường xuyên cũng như theo chuyên đề, lĩnh vực các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, đúng tiến độ cũng góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, Bộ Công Thương đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan thống kê, cập nhật đầy đủ và chính xác dữ liệu các quy định liên quan trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, tính chi phí tuân thủ và rà soát các quy định trên hệ thống phần mềm Nghị quyết 68 theo phạm vi chức năng quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Công Thương.

Kết quả đó sẽ góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động quản lý nhà nước về ATTP để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, Bộ Công Thương đang tổng hợp, đánh giá các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi Luật ATTP và các văn bản liên quan để kiến nghị Chính phủ trong việc hoạch định chính sách quản lý nhà nước về ATTP.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa, trong đó có việc nghiên cứu, xem xét về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và tính khả thi để bổ sung quy định ghi nhãn dinh dưỡng một số loại thực phẩm phù hợp.

Hay, Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP… Các hoạt động phối hợp tích cực, chủ động, thường xuyên góp phần từng bước hoàn thiện, đồng bộ chính sách, pháp luật về ATTP tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc đề xuất các nhiệm vụ thực hiện Dự án ATTP thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số trong giai đoạn 2021-2025 với các nội dung, hoạt động chi tiết nhằm mục tiêu chung là kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Tạo chuyển biến tích cực trong ý thức, hành động vì ATTP

Năm 2021, Bộ Công Thương đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật mới về ATTP; tăng cường truyền thông, quảng bá cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, áp dụng các công nghệ tiên tiến và kết quả nghiên cứu khoa học trong việc nâng cao năng suất chất lượng, đảm bảo ATTP; các gương điển hình, kinh nghiệm xây dựng các mô hình đảm bảo ATTP ngành Công Thương; tuyên truyền phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Bộ đã chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng đắn, khách quan công tác quản lý ATTP của các các cơ quan quản lý ATTP của ngành Công Thương tại địa phương trong chuyên mục an toàn thực phẩm trên báo giấy (Báo Công Thương) và các trang thông tin điện tử: https://moit.gov.vn; https://congthuong.vn; https://tapchicongthuong.vn; https://khcncongthuong.vn.

Đặc biệt, duy trì hoạt động đường dây nóng về ATTP. Hiện nay, Bộ Công Thương đang giao Tổng cục Quản lý thị trường tiếp nhận phản ánh các vi phạm về ATTP qua số điện thoại 1900 888 655. Bộ cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng, đặc biệt trong các đợt cao điểm về ATTP như Tết Nguyên đán và mùa lễ hội; Tháng hành động vì ATTP năm 2021.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì 04/12 đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP tại 08 Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Lào Cai; Yên Bái; Hà Nội; Hưng Yên; Khánh Hòa; Ninh Thuận; Nam Định và Thái Bình.

Thông qua hoạt động kiểm tra thực tế công tác quản lý nhà nước về ATTP tại địa phương đã góp phần tăng cường công tác bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân, tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo cơ quan quản lý địa phương đề cao cảnh giác, nâng cao nhận thức và coi công tác đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm là một trong các giải pháp đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo duy trì các chương trình hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc trách nhiệm được phân giao quản lý để kịp thời phát hiện, cảnh báo và chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất; tăng cường phối hợp thanh tra liên ngành theo Chỉ thị số 17/CT-TTg tại các địa phương.

Đáng chú ý, ngày 29/3/2021, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh vận hành thử nghiệm hệ thống thông tin quản lý ATTP ngành Công Thương để hoàn thiện, đánh giá tính phù hợp của hệ thống với yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP.

Với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý ATTP, Bộ Công Thương còn đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu. Lũy kế đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có 13/29 cơ sở ngoài công lập; chỉ định/ủy quyền 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, trong đó 6/11 cơ quan kiểm tra ngoài công lập; chỉ định 03 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng. Các cơ sở kiểm nghiệm đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, đảm bảo 100% lô hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương nhập khẩu được kiểm tra về ATTP.

Nguôn : congthuong.vn