• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Xoài Tứ Quý “Thanh Sơn” trên cù lao sông nước
Ảnh: Xoài Tứ Quý “Thanh Sơn” được bao trái trên huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (nguồn: T.P.Hưng)

Xoài Tứ Quý “Thanh Sơn” trên cù lao sông nước

(Cập nhật: 02/11/2018)

Từ nhiều năm qua, hàng trăm ha đất chuyên canh đậu phộng, củ sắn trên 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đã được nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng xoài Tứ Quý theo hình thức bao trái đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, người có công đưa mô hình này đến vùng quê biển này là ông Nguyễn Thanh Sơn, ngụ ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.


Ông Tô Văn Vốn, ngụ ấp 8, xã Thạnh Hải cho biết: “Lúc trước tôi trồng 10 công đất củ sắn nhưng không hiệu quả nhưng trồng cây khác cũng không xong vì đất là đất cát ven biển. Từ năm 2013 tôi chuyển sang trồng xoài Tứ Quý “Thanh Sơn”, mỗi năm trừ hết chi phí mỗi công có lãi trên 30 triệu đồng lại nhẹ công chăm sóc”.

                Kể về nguyên cớ đến với đứa con cưng “ Xoài Thanh Sơn”, ông Sơn nói vui: “ Tui thấy bà con dưới biển quá khó khăn nên nảy sinh ý định cho ra đời cây giống mới. Thật ra xoài Tứ Quý này là không lạ nhưng ươm và chăm sóc theo cách của mình là hoàn toàn mới. Đặc biệt lần đầu tiên người trồng áp dụng phương thức bao từng trái với các loại bao giấy có màu sắc khác nhau nên các vườn xoài thường có màu sắc rất sặc sỡ, đa dạng.

                Lý giải về việc bao trái, ông Sơn cho biết: bao trái để đảm bảo chất lượng trái không bị côn trùng cắn phá; trái màu sắc đẹp, da trơn bóng, tránh bệnh thán thư, đốm nâu, sương mai… thời gian bao thực hiện sau khi phun thuốc dưỡng trái đến khi thu hoạch. Mỗi lứa trái sẽ được bao một loại giấy màu khác nhau để người trồng nhận biết trái trong giai đoạn bao nhiêu ngày tuổi rất thuận tiện khi thu hoạch trái cùng lứa.

                Điều rất nhạy bén là vùng quê biển Thạnh Phú có hàng ngàn con bò thịt, bò sinh sản được người dân nuôi và đang phát triển mạnh, từ đó ông khuyến khích người dân dùng phân bò cùng các loại phân hữu cơ khác như: cá biển xay vụn, phân heo, gà, vịt để bón phân cho loại xoài này và đã mang lại hiệu quả cao. Với giá bán bình quân từ 10.000 đến 12.000 đồng/ký (tùy thời điểm), người trồng có nguồn lãi cao từ gấp 4 đến 5 lần so với trồng các loại cây và rau màu khác. Năng suất bình quân từ 2, 5 đến 3 tấn/1000 mét vuông. Bình quân mỗi công xoài cho lãi từ 15 đến 20 triệu đồng/công ( mỗi công là 1.000 mét vuông).

Ông Trương Thanh Hải, trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết: “đây là loại cây rất phù hợp với thổ nhưỡng cát biển tại địa phương; có hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định trong thời gian dài; sức bền trước nắng nóng, khô hạn rất cao, đầu ra tương đối ổn định nên chúng tôi chọn xoài tứ quí làm cây phát triển mũi nhọn, bước đầu rất thuận lợi”.

Năm 2011, xoài Tứ Quý của ông Nguyễn Thanh Sơn đã đạt huy chương vàng và nằm trong tốp 100 sản phẩm tiêu biểu đã được Hiệp Hội Doanh Nghiệp Việt Nam công nhận. Cạnh đó năm 2013, giống xoài này đã đạt giải II tại hội thi trái cây ngon Nam bộ tổ chức tại Khu Du Lịch Suối Tiên ( Tp.HCM).

Ảnh: Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ nhân của giống xoài Tứ Quý "Thanh Sơn"

                Hiện nay mỗi năm ông xuất bán độc quyền cho một công ty trồng và xuất khẩu xoài Tứ Quý “Thanh Sơn” này tại một tỉnh miền Trung từ 150.000 đến 200.000 cây giống với giá từ 60.000 đến 70.000 đồng/cây, sau khi trừ hết các khoản chi ông có lãi gần 1 tỷ đồng. Công việc này còn giúp cho nhiều lao động tại chỗ có việc làm quanh năm.

                Ông Sơn kể thêm, khâu quan trọng nhất là việc ghép mắt xoài Tứ Quý “Thanh Sơn” vào thân cây xoài Tứ Quý bình thường đòi hỏi công nhân thao tác hoàn toàn chính xác và được chăm sóc rất chu đáo mới đạt kết quả như mong đợi.

                Hiện tại ông đang dự định mở rộng qui mô ươm cây giống xoài Tứ Quý này để mở rộng thị trường cung cấp cho người trồng một cách thận trọng để giữ được thương hiệu vốn có.

                Ông Nguyễn Mộc Hưng, bí thư kiêm trưởng ấp Phú Bình (ấp được tách ra từ Phú Đa) đánh giá: “Ông Sơn luôn tìm tòi những giống trái cây mới, lạ, hiệu quả để làm giàu cho gia đình và xã hội. Cạnh đó còn tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương”.

Nguồn: T.P. Hưng (CTV)