• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Truyền cảm hứng khởi nghiệp với mật hoa dừa
Anh Phạm Đình Ngãi chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho người khởi nghiệp trẻ tại tỉnh.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp với mật hoa dừa

(Cập nhật: 14/01/2020)

BDK - “Đều đặn mỗi ngày, công nhân lấy mật hoa phải leo lên cây dừa 2 lần để mát xa cho hoa dừa bằng cách dùng tay xoa lên hoa dừa, sau đó, dùng chày gỗ gõ một lực vừa đủ để làm thông tuyến mật bên trong hoa dừa”, anh Phạm Đình Ngãi, người khởi nghiệp (KN) với mật hoa dừa tại tỉnh Trà Vinh chia sẻ về một nghề hoàn toàn mới và rất hấp dẫn đối với các tỉnh trồng dừa ở Việt Nam.

Trong lần truyền cảm hứng KN cho các dự án ươm tạo KN tại tỉnh Bến Tre, do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN phối hợp với Quỹ KN Doanh nghiệp Khoa học công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức, anh Phạm Đình Ngãi là nhân vật KN đặc biệt được đơn vị tổ chức chọn để chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng.

Anh Ngãi sinh ra và lớn lên tại tỉnh Đồng Tháp. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành điện, anh tiếp tục học thạc sĩ và làm giảng viên tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, sau khi đọc quyển sách của Toni, anh Ngãi đã xoay chuyển ý định. Lúc đó, Ngãi đặt câu hỏi, vì sao xuất thân là gia đình làm nông nghiệp nhưng lại bỏ nông nghiệp mà đi. Ngãi định hướng sẽ làm cái gì đó về nông nghiệp mà là nông nghiệp về chế biến.

Trong 2 năm đầu KN, Ngãi chọn cây ca cao vì cho rằng đây là cây thật sự có giá trị nhưng người trồng thu nhập bấp bênh. Đến năm 2018, giá dừa ở tỉnh Trà Vinh (quê vợ của Ngãi) cũng như các tỉnh trồng dừa rất thấp. Ở Trà Vinh cũng không có nhà máy chế biến lớn về dừa mà chủ yếu bán nguyên liệu thô cho các nhà máy chế biến dừa ở Bến Tre. Bài toán về giá dừa cho người trồng dừa ở Trà Vinh đặt ra. Ngãi suy nghĩ: có cách nào để tạo ra giá trị kinh tế mới cho người trồng dừa? Lúc này, Ngãi bắt đầu lao vào tìm hiểu các thông tin về dừa trên thế giới và phát hiện trên thế giới có nghề mới là làm mật hoa dừa. Ngãi quyết định tìm hiểu về nghề này và cũng là lúc chính thức bắt tay vào KN với ngành sản xuất mật hoa dừa.

Ngãi cho biết, may mắn của Ngãi trong thời gian đầu là anh tìm gặp được chị Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Dừa Đồng Gò Bến Tre. Chị Thủy đã giới thiệu cho Ngãi về ngành mật hoa dừa và những sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa. Sau đó, Ngãi tìm hiểu cách khai thác mật từ cây thốt nốt để làm mật hoa dừa. Sau 6 tháng, Ngãi đã hoàn tất quy trình thu mật hoa dừa. 6 tháng sau, Ngãi tiếp tục nghiên cứu về chế biến.

“Nếu gõ nhẹ quá thì mật không tiết ra được, nếu gõ mạnh quá sẽ làm dập và hư tuyến mật bên trong hoa dừa. Việc lấy mật từ hoa dừa phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng mát xa của người thợ thu mật. Nên những người thợ này được chúng tôi ví như những chú ong thợ lấy mật”, Phạm Đình Ngãi kể lại công việc.

Sản phẩm mật hoa dừa có vị ngọt nhẹ và thanh, thích hợp dùng như một loại gia vị với chỉ số đường thấp, lượng khoáng cao, giúp cơ thể bổ sung năng lượng, cân bằng quá trình điện giải. Phương pháp chế biến mật hoa dừa không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của loài ong tự nhiên và sức cho trái của cây dừa.

Bằng vốn tích góp của hai vợ chồng Ngãi và huy động thêm, Ngãi vừa đầu tư xây dựng được vùng nguyên liệu 4ha theo hướng hữu cơ, an toàn trong toàn bộ quá trình canh tác, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường, vừa xây dựng nhà máy tại Trà Vinh để sản phẩm được sản xuất ngay khi nguyên liệu được thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Công suất của nhà máy này có thể đạt 2.000 chai/tháng (chai 250 gram).

“Mặc dù sản phẩm còn mới với người tiêu dùng nhưng chưa xảy ra tình trạng  tồn kho. Tháng 10-2019, chúng tôi tiêu thụ trên 1.000 chai mật hoa dừa”, Ngãi tiết lộ. Dự kiến đến đầu năm 2020, vùng nguyên liệu liên kết với nông dân của công ty sẽ mở rộng gấp đôi, đạt khoảng 8ha. Công ty sẽ hoàn thiện thêm các công thức sản xuất rượu vang mật hoa dừa, giấm dừa uống giảm cân, mứt mật dừa…

Sau 4 năm KN, Ngãi rút ra kinh nghiệm: Để KN, điều đầu tiên là phải có niềm đam mê. Đam mê là ngọn lửa giúp chúng ta tiếp tục hành trình gian nan. Theo Ngãi, con đường KN là con đường dài nhất, rủi ro và tốn kém nhất. Nhưng khi bước vào KN, chúng ta cần trang bị kỹ các quy định pháp luật. Sau khi nắm luật thì cần chuẩn bị vấn đề tài chính. Điều kiện quan trọng khác là cần xác định năng lực “lõi” của mình.

Nguồn: Báo Đồng Khởi