• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tình hình phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa và thủy sản
Ảnh minh hoạ (nguồn: QLCN-SCT)

Tình hình phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa và thủy sản

(Cập nhật: 08/04/2019)

Trong thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá sôi động cả về quy mô và cơ cấu ngành hàng, trong đó, ngành công nghiệp chế biến dừa và thủy sản là 02 ngành có lợi thế cạnh tranh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các ngành công nghiệp của tỉnh, góp phần tiêu thụ phần lớn nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản của tỉnh, thúc đẩy ngành nông nghiệp, nông thôn phát triển, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, đã khẳng định vị trí quan trọng của ngành công nghiệp này trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Dừa được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre. Đến cuối năm 2018, diện tích dừa trên địa bàn tỉnh đạt 72.022 ha, tăng 3.588 ha so với năm 2015; năng suất dừa năm 2018 là 9.500 trái/ha; sản lượng 612,5 triệu trái. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 525 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 20.500 tỷ đồng; trong đó DN ngành dừa khoảng 133 doanh nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa (giá so sánh 2010) năm 2018 ước đạt 3.300 tỷ đồng, chiếm 12,34% giá trị sản xuất công nghiệp. Các sản phẩm sản xuất chủ yếu như: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, mụn dừa, dầu dừa, mặt nạ dừa.... Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm 2018 ước đạt 215,34 triệu USD, chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các sản phẩm xuất khẩu chính hiện nay: Cơm dừa nạo sấy; sữa dừa; nước dừa đóng lon/hộp; than hoạt tính; chỉ xơ dừa; mụn dừa; thạch dừa; bột sữa dừa, dầu dừa. Thị trường xuất khẩu dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng, đến năm 2018 đã xuất khẩu sang 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhìn chung, hoạt động sản xuất chế biến và tiêu thụ dừa có bước phát triển khá, có nhiều dự án chế biến dừa quy mô lớn đi vào hoạt động, nhiều sản phẩm mới từ dừa được thương mại hóa với quy mô lớn, sản lượng các sản phẩm mới có sự tăng trưởng khá.

Toàn tỉnh hiện có 9 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu là thủy sản đông lạnh (cá tra fillet, nghêu, tôm, sản phẩm giá trị gia tăng…). Công suất chế biến thủy sản ước đạt 76.000 tấn sản phẩm/năm. Xuất khẩu thủy sản chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đối với ngành hàng cá tra, mặc dù trong năm 2018, gặp không ít khó khăn nhưng với sự nỗ lực của các ngành chức năng và doanh nghiệp, ngành hàng này vẫn có bước tăng trưởng đáng kể. Giá cá tra xuất khẩu trung bình đạt 2,7 ≈ 3USD/kg. Giá thành nuôi cá tra dao động khoảng 22.000 đồng - 23.000 đồng/kg, trong khi giá bán ra từ 29.000 đồng - 32.000 đồng/kg, có tháng kỷ lục đạt 36.000 đồng/kg, đảm bảo cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến và nhà nhập khẩu cùng có lợi. Đối với con nghêu thì sản phẩm nghêu thịt và nghêu nguyên con có thị trường phát triển ổn định. Hiện tại, con nghêu Bến Tre đạt chuẩn MSC (Marine Stewardship Council) và đã trở thành thương hiệu được nhiều thị trường ưa chuộng, nhất là EU. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cũng như giá thành con nghêu hiện chưa ổn định. Đối với con tôm, Bến Tre thuộc nhóm 05 tỉnh dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về diện tích và sản lượng, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng (diện tích nuôi tôm biển toàn tỉnh hơn 35.000 ha, sản lượng trên 55.000 tấn/ năm) nhưng lại không có nhà máy chế biến nên hầu như tôm nguyên liệu được tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Giá tôm nguyên liệu của tỉnh đầu năm 2018  giảm thấp, đa số người nuôi hòa vốn hoặc lãi ít. Tuy nhiên đến cuối năm 2018, giá tôm tăng trở lại khiến người dân phấn khởi cải tạo ao để tái nuôi sau khoảng thời gian tôm rớt giá.

Để ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm nói chung và ngành công nghiệp chế biến dừa, thủy sản nói riêng phát triển nhanh, tương xứng với tiềm năng, trong thời gian tới cần phải tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, chú trọng hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp kết nối cung – cầu, mở rộng thị trường. Khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến (ưu tiên các sản phẩm giá trị gia tăng), có quy mô lớn phục vụ phát triển công nghiệp.

Nguồn: QLCN-SCT