• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tiểu sử Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Tiểu sử Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

(Cập nhật: 12/09/2022)

Đồng chí Lê Hồng Phong sinh năm 1902 tại tổng Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình nông dân lao động, tại một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có phong trào đấu tranh chống bọn phong kiến và thực dân nổ ra liên tục như phong trào Cần Vương, tiếp đó là Việt Nam Quang Phục hội của Phan Bội Châu...

 


Sau khi học xong sơ học yếu lược, Lê Hồng Phong đã rời làng ra thành phố, hết Vinh lại đến Bến Thuỷ, sống cảnh làm thuê làm mướn. Chính trong thời gian này, Lê Hồng Phong tận mắt chứng kiến cuộc sống bị bóc lột, bị áp bức bất công của nhân dân lao động do bọn thực dân, phong kiến gây ra. Và chính đồng chí cũng được thể nghiệm cuộc sống đó khi với thân phận là người thợ làm thuê. 


Từ năm 1924 đến 1931, sau khi đến Thái Lan một thời gian, Lê Hồng Phong cùng một số bạn bè tìm đường sang Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1924. Ở Quảng Châu, Lê Hồng Phong cùng một số bạn như Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ trong nhóm Tâm Tâm xã đã tích cực khôi phục lại phong trào yêu nước đang bị suy yếu. 

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu. Người tiếp xúc với nhóm người Việt Nam yêu nước ở đây, lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, đường lối cách mạng vô sản. Lê Hồng Phong là một trong những học trò đầu tiên của Người, được Người giác ngộ đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản. 

Từ tháng 8-1924 đến hết năm 1925, Lê Hồng Phong tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ đần quốc. Đồng chí được chuyển sang Trường Hàng không ở Quảng Châu. Tại đây, tháng 2-1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Do học xuất sắc, đồng chí được Chính phủ Quảng Châu và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học từ tháng 10-1926 đến tháng 12-1927 và tốt nghiệp Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát. Sau đó, đồng chí vào học Trường Đào tạo phi công quân sự tại Bôrítxgơlépxcơ. Học chưa xong khoá, thì tháng 10-1928, đồng chí được cử về học ở Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Ở đây, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô và tham gia trong Uỷ ban tổ chức Đảng nhóm Đông Dương. Sau ba năm học, đồng chí tốt nghiệp Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Đồng chí vào học tiếp năm thứ nhất nghiên cứu sinh, đang học đờ dang thì tháng 11-1931, đồng chí được cử về nước để tham gia công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Sau một thời gian dài được học tập và tham gia các tổ chức cách mạng ở nước ngoài, Lê Hồng Phong là nhà hoạt động cách mạng được tích luỹ tri thức lý luận chính trị và quân sự tương đối hoàn chỉnh nhất lúc bấy giờ. Cách mạng Việt Nam lúc này ở vào một thời điểm khó khăn, sau cao trào cách mạng 1930- 1931 bùng nổ mãnh liệt, thực dân Pháp thực hiện thủ đoạn khủng bố dã man, kéo dài liên tục từ cuối năm 1930 đến năm 1935. 

Từ sau cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đến năm 1935 phần lớn các tổ chức của Đảng bị tan rã hoặc tê liệt do chính sách đàn áp của thực dân Pháp. Mối liên hệ giữa các cơ quan Trung ương Đảng và đảng bộ địa phương, ngay giữa các cơ sở đảng trong một địa phương cũng bị chia cắt. Toàn bộ Ban Thường vụ và một số uỷ viên Trung ương Đảng, cán bộ xứ uỷ, tỉnh uỷ..., nhiều người cũng bị bắt và bị giết hại. Các lãnh tụ và những cốt cán của Đảng, từ Nguyễn Ái Quốc đến Trần Phú, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh,... bị bắt, bị truy nã hoặc bị kết án tử hình. Tình hình trên đòi hỏi việc khôi phục phong trào cách mạng, khôi phục Đảng là một nhiệm vụ lịch sử bức xúc của sự nghiệp giải phóng nhân dân ta. 

Từ Liên Xô, Lê Hồng Phong lên đường về nước vào cuối năm 1931. Việc cần thiết là phải định hướng cho phong trào hoạt động. Lê Hồng Phong đã tham gia soạn thảo Chương trình hành động của Đảng, được Quốc tế Cộng sản thông qua. 

Chương trình hành động của Đảng là ngọn đèn pha soi sáng con đường đi tới của cách mạng, có tác đụng đoàn kết, tập hấp lực lượng xung quanh hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản. 

Chương trình hành động của Đảng đã có tác dụng củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhanh chóng khôi phục phong trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới. 

Tháng 7-1933, Lê Hồng Phong bí mật về Cao Bằng làm việc với Tỉnh uỷ nhằm xây dựng Cao Bằng thành căn cứ vững mạnh để chắp nối liên lạc, phát triển phong trào cách mạng khắp cả nước. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, hệ thống cơ quan lãnh đạo tỉnh uỷ, thành uỷ… Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước được khôi phục. 

Lúc này, các tổ chức Đảng bắt đầu được củng cố; phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao, tất yếu đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng phải tập trung, thống nhất và chặt chẽ. 

Tháng 3-1934, Ban Chỉ huy ở ngoài được thành lập, có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng ở nước ngoài gồm 3 người do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư, Hội nghị quyết định sẽ tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng vào năm 1935 và phải xúc tiến thành lập các xứ uỷ trước Đại hội. 

Chưa kịp tổ chức Đại hội thì đồng chí Lê Hồng Phong được triệu tập đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. 

Tại Đại hội, Lê Hồng Phong thay mặt Đảng ta đã trình bày bản tham luận về tình hình Đông Dương, về phong trào cách mạng, về chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, về những ưu và khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Với sự kiểm điểm chân thành và nghiêm túc, đồng chí chứng minh triển vọng rộng lớn của phong trào cách mạng Đông Dương. 

Đại hội đã bầu Lê Hồng Phong làm Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản. 

Tháng 3-1935, Đại hội lần thứ I của Đảng họp tại Ma Cao. Đại hội đề ra ba nhiệm vụ chủ yếu trước mắt: củng cố và phát triển Đảng; tranh thủ tập hợp rộng rãi quần chúng; chống chiến tranh đế quốc Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Hoàng Đình Giong. Đồng chí Lê Hồng Phong là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương. 

Tháng 6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Hết hạn tù, để đề phòng đồng chí tham gia hoạt động, chúng trục xuất về quê nhà ở Nghệ An để quản thúc và giám sát. Năm 1939 là năm địch kiểm soát rất gắt gao. Vượt qua điều kiện ngặt nghèo đó, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn tiếp tục viết báo, chiến đấu trên mặt trận chính trị, lý luận. 

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Lo sợ trước phong trào cách mạng dâng cao, thực dân Pháp tăng cường đàn áp. Tháng l-1940, chúng bắt giam Lê Hồng Phong tại quê, rồi giam vào Khám Lớn Sài Gòn, cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Trước những đòn tra tấn dã man, liên tục của địch, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời. Chúng hành hạ đồng chí cho đến kiệt sức. Trước khi trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6-9-1942, đồng chí nhắn lại: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. 

Nguồn: lehongphong.nguyen.edu.vn