• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Phiên họp thứ chín của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Đại biểu dự phiên họp thứ chín Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ tại điểm cầu UBND tỉnh Bến Tre (Ảnh: Kim Tuyền)

Phiên họp thứ chín của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

(Cập nhật: 16/01/2025)

        Chiều ngày 15/1/2025, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Phiên họp thứ chín nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024 và bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025. Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ  đạo cải cách hành chính chủ trì cuộc họp.
        Tại điểm cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, Bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì họp, cùng tham dự có các Phó Trưởng Ban, các thành viên Ban Chỉ đạo

      cải cách hành chính của tỉnh; Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo; Ban Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện các phòng: Tổng hợp, Khoa giáo -Văn xã, Hành chính -Tổ chức, Trung tâm Phục vụ hành chính công và công chức Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính; Công chức đầu mối làm công tác cải cách hành chính của Sở Nội vụ.

       Năm 2024, cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong những
trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và thủ tục hành chính (TTHC); tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; với chủ đề điều hành của năm là: “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững.


      Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về CCHC đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế, cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm, nhiều mô hình hay, điển hình, như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người). Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể, mô hình tốt, điển hình, như: Đà Nẵng, Bình Phước, Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh,

      Bên cạnh đó, một số tồn tại, hạn chế của CCHC cũng đã được chỉ ra: Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức tới CCHC; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc còn chậm, hiệu quả chưa cao. Trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức, viên chức ở một số nơi còn thấp, động lực làm việc không cao, tinh thần cải cách chưa mạnh mẽ. Đánh giá cán bộ công chức, viên chức vẫn còn tình trạng nể nang, thiếu tiêu chí định lượng. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn, chậm sửa đổi. Cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC vẫn chưa đạt như kỳ vọng; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến một số nơi còn hình thức; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC chưa đạt tỷ lệ đã đề ra, tỷ lệ tái sử dụng kết quả số hóa thấp. Tình trạng chậm muộn, trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương (tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội). Việc đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý điều hành và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự thông suốt.

       Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao các kết quả CCHC đã đạt được trong năm 2024, thống nhất 06 kết quả lớn trên các nội dung: cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra rằng, công tác CCHC vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, doanh nghiệp, người dân tiếp cận nền hành chính công chưa thực sự thông thoáng, thuận tiện. Các tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục sớm để mau chóng khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho xã hội và phát triển đất nước. Phó thủ tướng nhấn mạnh: Xây dựng Chính phủ điện tử nhằm hướng đến 02 mục tiêu đó là (1) nâng cao năng lực quản trị đất nước của Chính phủ và (2) phục vụ người dân tốt hơn. Chính vì 02 mục tiêu như vậy mà thước đo của Chính phủ số phải là sự hài lòng của người dân.

     Phó thủ tướng hoan nghênh ý kiến phát biểu của các bộ ngành địa phương đều có nhận thức chung về vai trò hết sức quan trọng của CCHC, đã bổ sung các sáng kiến CCHC và đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện CCHC ngày càng tốt hơn. Phó Thủ tướng yêu cầu sau cuộc họp, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC triển khai thực hiện ngay những nhiệm vụ, giải pháp đã thống nhất để đẩy mạnh công cuộc CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, góp phần đắc lực cho việc thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2025.
(Tác giả: Kim Tuyền-SCT)