• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thương mại điện tử xuyên biên giới - Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Thương mại điện tử xuyên biên giới - Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu

(Cập nhật: 07/03/2022)
Những năm gần đây, thương mại điện tử của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, có tốc độ phát triển khá nhanh so với các quốc gia trong khu vực, dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Theo Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong cuộc cách mạng 4.0, thương mại điện tử được xem là trụ cột chính của nền kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, thị trường thương mại điện tử càng trở nên sôi động hơn, việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đã và đang trở thành một phương thức kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp. Vai trò của thương mại điện tử ngày càng trở nên vô cùng quan trọng, thương mại điện tử đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết, giúp người dùng mua sắm thuận tiện, an toàn, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, đồng thời  giúp các doanh nghiệp duy trì cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mới, thị trường mới, quen dần với phương thức kinh doanh mới, tiên tiến, phù hợp với xu hướng của thời đại.

Thương mại điện tử giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”, đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và bán sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới  tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng trên thị trường trên thế giới.

Theo Bộ Công Thương, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ euro và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu. Riêng Trung Quốc, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tổng giao dịch xuất khẩu qua thương mại điện tử tăng hơn 40% lên 1,12 nghìn tỷ NDT, Trung Quốc nhập khẩu hàng hoá từ thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử đạt 570 tỷ NDT, tăng trưởng 16,5%. Thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam…

Tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của khu vực Đông Nam Á so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (27,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020). Dự báo, doanh thu thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành một trong những giải pháp tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội mới giúp các mô hình thương mại điện tử dần gắn với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, trở thành kênh xuất khẩu mới, bổ sung bên cạnh các kênh xuất khẩu truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận cơ hội giao thương, mở rộng thị trường.

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ phê duyệt, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực là một trong những nội dung quan trọng, cần tập trung thực hiện trong phát triển thương mại điện tử của Việt Nam. Trong đó bao gồm xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn thương mại điện tử lớn của thế giới, tổ chức các không gian hàng Việt là nơi tập trung các thương hiệu uy tín, có hàm lượng nội địa hóa cao, được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam và thế giới.

Từ năm 2019, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử nội địa đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chủ trì triển khai trên các sàn thương mại điện tử nội địa bao gồm Sendo, Voso (Viettel Post) và Tiki được đánh giá là một giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, tiếp cận thị trường thông qua phương thức phân phối hiện đại, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam.

Đến cuối năm 2021, Gian hàng Quốc gia Việt Nam được lên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc, là gian hàng Việt Nam đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử quốc tế với các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu được triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trước đó, năm 2020, Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam – ECVN đã ra mắt tại Diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa – VOIEF là giải pháp chuyển đổi số trên nền tảng thương mại điện tử B2B, thực hiện kết nối với hơn 100 thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, với mục tiêu hỗ trợ kết nối trực tiếp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các nhà nhập khẩu trên thế giới.

Mặc dù, thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam đối với doanh nghiệp xuất khẩu còn khá mới mẻ, còn nhiều khó khăn, rào cản mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải vượt qua. Tuy nhiên, tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu thông qua phương thức này rất lớn. Trong năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) và sàn thương mại điện tử Voso xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam – Voso Global. Có thể coi đây là một bước đi đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Và hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng đã và đang hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển với thương mại điện tử xuyên biên giới. Thông qua Amazon, các chủ thể, doanh nghiệp Việt Nam đều có thể tiếp cận đến hơn 300 triệu tài khoản người mua trên toàn thế giới của Amazon, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Canada, EU…

Việc tham gia vào các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu với phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo thêm một kênh phân phối mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá ra thị trường nước ngoài, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.

Thông qua một vài thao tác đơn giản, các doanh nghiệp có thể dễ dàng  tìm thấy thông tin về đối tác, khách hàng tiềm năng của mình, đồng thời có thể thông tin, giới thiệu và bán các sản phẩm của mình trên môi trường mạng. Hiện nay, việc đầu tư cho website bán hàng, giới thiệu sản phẩm của riêng công ty hay tham gia vào các hoạt động thương mại trên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế như: eBay hay Amazon, Alibaba…đang là những ưu tiên lựa chọn của các doanh nghiệp để mở rộng các kênh bán hàng trên toàn thế giới, số lượng các doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng nhiều, chất lượng từng bước được nâng cao.

Để tận dụng và khai thác hiệu quả cơ hội từ thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp phải thấy được tầm quan trọng cũng như xu hướng xúc tiến thương mại trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới là tất yếu trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần xác định nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu để có chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số của mình, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, xúc tiến thương mại trực tuyến thông qua các nền tảng số do các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài thực hiện.

Chuyển đổi số, thương mại điện tử xuyên biên giới là yêu cầu cấp thiết, là một trong những giải pháp đột phá giúp các doanh nghiệp xuất khẩu phục hồi, đẩy mạnh giao thương và phát triển bền vững.
Nguồn: P.QLTM – SCT

Tin liên quan