• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh. (Nguồn: baodongkhoi.vn)

Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19

(Cập nhật: 14/10/2021)

BDK.VN - Ngày 13-10-2021, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội thảo khoa học trực tuyến với các tỉnh, thành trong nước, với chủ đề: “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”. Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì hội thảo.


Tại điểm cầu tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh tham dự.

Hội thảo diễn ra 2 phiên làm việc tập trung gồm: Phiên 1: Lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia trình bày. Phiên 2: Lãnh đạo các địa phương phát biểu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do đại dịch, kinh tế tăng trưởng chậm lại, thấp nhất trong nhiều năm qua; sản xuất, lưu thông, chuỗi cung ứng tiêu dùng bị gián đoạn, chi phí tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế bị giảm sút; doanh nghiệp, người dân khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam thiếu chính sách tổng thể, nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy phục hồi cả về phía cung và cầu; đồng thời thay đổi chống dịch theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”, độ bao phủ vắc-xin ngày càng cao.

Theo Chương trình phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trọng tâm là thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19; mở cửa nền kinh tế chắc chắn, ổn định, an toàn; sẵn sàng các kịch bản, phương án, nguồn lực để ứng phó với diễn biến dịch bệnh. Đồng thời tạo tính chủ động cho doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch và thích ứng với dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động liên tục, ổn định với công suất và chi phí phù hợp. Tìm kiếm, mua, kêu gọi tài trợ trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, sản xuất vắc-xin trong nước và tiêm chủng. Đến hết quý I-2022, khoảng 80% dân số tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và triển khai tiêm cho trẻ em, nghiên cứu phương án tiêm nhắc lại mũi thứ 3.

Đặc biệt, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sớm khắc phục tổn thương do đại dịch như: Hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng; giảm thuế, phí, hỗ trợ chi phí sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường liên kết chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là nông, thủy sản; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; phương án mở cửa lại hoàn toàn đường bay nội địa và quốc tế an toàn; thúc đẩy nghiên cứu, khởi nghiệp, sáng tạo… Đồng thời là nhóm giải pháp quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Chủ đề được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia thảo luận, với các vấn đề cụ thể như: Đánh giá các chính sách và kinh nghiệm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của các quốc gia, đề xuất các khuyến nghị chính sách; đánh giá cơ hội và thách thức, các yêu cầu đối với Việt Nam để phục hồi và phát triển nền kinh tế… Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam phải xây dựng tương lai ngay từ bây giờ và đòi hỏi Chính phủ phải có sự nỗ lực lâu dài.

Xoay quanh chủ đề này, lãnh đạo các địa phương đã trình bày những giải pháp trong phục hồi, phát triển kinh tế, trọng tâm là khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: Vừa qua nền kinh tế bị tổn thương nặng nề. Muốn khôi phục, trước hết phải kiểm soát được dịch bệnh. Theo Thủ tướng, giải pháp trước hết vẫn phải đảm bảo an toàn khi chưa đủ vắc-xin, đó là thực hiện “5K”, vắc-xin, công nghệ, nâng cao ý thức, vai trò của người dân trong phòng, chống dịch và kết hợp các biện pháp có thể.

Thứ hai là thích ứng linh hoạt, quản lý rủi ro, kiểm soát tử vong. Thứ ba là siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, lãnh đạo phải tập trung, thống nhất; tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo phù hợp tình hình; phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra và tăng cường nguồn lực. Thứ 4 là giữ vững kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn. Thứ 5 là khôi phục doanh nghiệp, tăng tổng cung và tổng cầu cho sản xuất phát triển, nối lại thị trường lao động, tập trung khôi phục thị trường lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Thứ 6 là tập trung chăm lo an sinh cho xã hội, tìm nguồn vắc-xin cho người dân, không để ai bị rớt lại phía sau. Thứ 7 là ổn định chính trị, kiểm soát an toàn trật tự xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn và an dân.

“Đặc biệt là phải quản lý sự thay đổi, biến thách thức thành cơ hội. Xem đây là cơ hội để chúng ta phấn đấu vươn lên và vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc...” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Nguồn: Baodongkhoi.vn