• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng tỉnh Bến Tre trên nền tảng thương mại điện tử
Phát triển cây giống, hoa kiểng trong môi trường số đang ngày càng được quan tâm. (Nguồn: Thanh Thư)

Phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng tỉnh Bến Tre trên nền tảng thương mại điện tử

(Cập nhật: 21/06/2023)
Được biết, Bến Tre là địa phương có nghề truyền thống sản xuất cây giống lớn nhất cả nước, quy mô lên đến trên 1.500 ha, cung ứng từ 17 - 20 triệu cây giống các loại/năm. Tổng số hộ sản xuất, kinh doanh cây giống của tỉnh khoảng hơn 8.000 nông hộ nhưng chỉ có gần 600 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh. Trong đó, diện tích sản xuất cây giống trên địa bàn huyện Chợ Lách đạt trên 1.300 ha, còn lại là các huyện Mỏ Cày Bắc (455 ha) và Châu Thành (khoảng 20 ha). Do hiệu quả kinh tế cao nên theo xu thế, diện tích, số lượng sản xuất cây giống ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, nghề sản xuất, kinh doanh hoa kiểng trong những năm gần đây không ngừng phát triển về số hộ sản xuất và sản lượng cung cấp trên thị trường. Toàn tỉnh có 7.907 hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng; trong đó, chủ yếu tập trung ở huyện Chợ Lách 6.421 hộ (chiếm 81,1%), huyện Mỏ Cày Bắc 605 hộ (chiếm 7,6%), huyện Châu Thành 176 hộ chiếm (2,4%). Hàng năm tỉnh cung ứng cho thị trường từ 15 - 18 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, chủ yếu là mai vàng, hoa giấy, kiểng thú, bonsai, kiểng lá, tắc kiểng và các loại cây công trình.

Hiện nay, Tỉnh cũng đang xây dựng vùng sản xuất tập trung cây giống và hoa kiểng tích hợp, kết nối giữa nông dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác gắn với xây dựng “Làng Văn hóa - Du lịch Chợ Lách”, tạo sự phát triển toàn diện, hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, triển khai thực hiện hiệu quả liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từng bước điều chỉnh hành vi tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa có chứng nhận chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ.

Xác định tầm quan trọng của xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của tỉnh Bến Tre nói chung và cây giống, hoa kiểng nói riêng là một trong những hoạt động hết sức cần thiết nên trong thời gian qua, ngành công thương đã tập trung triển khai và thực hiện một số công việc như hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa, nắm bắt nhu cầu thị hiếu khách hàng thông qua kênh trực tiếp như: tổ chức và tham gia các Hội chợ; tổ chức kết nối bán sản phẩm hoa kiểng vào các dịp tết Nguyên đán; Kết nối giao thương hoàng hóa, tổ chức Hội thảo giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm; Xây dựng Video giới thiệu và chương trình quảng bá sản phẩm Bến Tre, …

Cùng với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Thương mại dần được toàn cầu hóa; công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những lĩnh vực mấu chốt của nền kinh tế số vì thế cũng được mở rộng phát triển. Các mô hình TMĐT ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số. Thị trường TMĐT đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thị trường TMĐT đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một vấn đề hết sức cần thiết, mang đến nhiều cơ hội cho phía cung và cầu trên thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen trao đổi hàng hóa, chuyển từ thói quen truyền thống sang hình thức TMĐT. Theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương (năm 2022), doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sự phát triển mạnh của thương mại điện tử đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế số Việt Nam.


Chính vì thế, ngành công thương đã rất quan tâm hỗ trợ, triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, Cơ sở SX-KD,… như: Hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Sendo với sự kiện "Ngày hội xứ Dừa – Quê hương Bến Tre; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số phối hợp với các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam gồm: sendo.vn, voso.vn và tiki.vn triển khai thực hiện; Hỗ trợ, giới thiệu doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch TMĐT; tập huấn, đào tạo về TMĐT, kinh doanh trên môi trường mạng; Hỗ trợ chuyển đổi số 1000 doanh nghiệp, …

Nhìn chung, công tác xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm trên môi trường mạng cho các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực, có nhiều điểm sáng, đã tập trung vào các chương trình có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực cho doanh nghiệp. Kết quả hoạt động đã góp phần hỗ trợ nhiều doanh nghiệp mở rộng và đa dạng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, việc kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cây giống, hoa kiểng còn hạn chế, kết quả chưa như mong muốn. Có thể kể đến một số khó khăn và thách thức, cụ thể như sau:

-Thứ nhất, về sàn giao dịch: việc kinh doanh sản phẩm cây giống, hoa kiểng thông qua sàn thương mại điện tử vấp phải một số khó khăn như vấn đề cung ứng nhỏ lẻ, việc vận chuyển đảm bảo được ch ất lượng đòi hỏi quy trình kỹ thuật đóng gói và bảo quản tốt, khách hàng vẫn chuộng mua hàng trực tiếp nhằm kiểm tra thực tế sản phẩm.

-Thứ hai, kỹ năng bán hàng qua môi trường mạng: các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống hoa kiểng chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, hạn chế cả về quy mô sản xuất và kinh nghiệm quản trị hiện đại như kỹ năng marketing, đặc biệt là marketing online, do vậy việc đăng tin giới thiệu sản phẩm chưa gây được ấn tượng với khách hàng, không phát sinh đơn hàng trực tuyến. Đây được xem là rào cản khó nhất của các nhà sản xuất kinh doanh cây giống hoa kiểng trên môi trường kinh doanh số.

-Thứ ba, đa số các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cây giống hoa kiểng của tỉnh vẫn còn thiếu kỹ năng về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp, cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm…

-Thứ tư, về bảo mật thông tin: Công nghệ càng phát triển, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân càng cần được chú trọng. Đây cũng là vấn đề đang được các doanh nghiệp và cả các cơ quan nhà nước quan tâm. Trong thời gian qua, việc thể chế hóa các văn bản pháp luật cũng khiến các doanh nghiệp tham gia vào thị trường TMĐT phải đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như đảm bảo an ninh trong môi trường số.

-Thứ năm, về niềm tin: Niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm mua bán trên sàn thương mại điện tử vẫn chưa cao. Theo báo cáo, tỷ lệ người lựa chọn thanh toán theo phương thức COD (thanh toán khi nhận hàng) rất cao, lên tới 88%. Có 3 lý do lớn nhất khiến người tiêu dùng chưa lựa chọn mua hàng trên sàn thương mại điện tử là: (1) khó kiểm định chất lượng hàng hóa, (2) không tin tưởng đơn vị bán hàng và (3) không tin tưởng chất lượng thực sự so với quảng cáo.

-
Thứ sáu, về cơ sở hạ tầng, dịch vụ giao nhận: Các sàn thương mại vẫn chưa tối ưu được hệ thống máy chủ, điều này dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn sàn TMĐT trong những chương trình lớn. Hệ thống giao thông còn nhiều bất cập, đặc biệt là các thành phố lơn như: Hồ Chí Minh và Hà Nội thường xuyên bị tắt nghẽn, dẫn tới thời gian giao hàng lâu, chi phí giao hàng còn nhiều bất hợp lý dẫn đến giải sản phẩm tang cao,… 

Từ những thuận lơi, kết quả đạt được, những khó khăn và hạn chế nêu trên, để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói chung và sản phẩm cây giống, hoa kiểng nói riêng, Sở Công Thương đề xuất giải pháp, cụ thể như sau:

1. Đối với cơ quan Nhà nước:

- Thứ nhất, Tăng cường cập nhật, trao đổi thông tin, khảo sát thực tế tại doanh nghiệp, cơ sở để trao đổi, cung cấp và nắm bắt thông tin, những nhu cầu của các cơ sở để lựa chọn, xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại phù hợp đối tượng thụ hưởng.

- Thứ hai, Hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và thực hiện sản xuất trồng trọt theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên địa bàn. Hướng dẫn cơ cấu giống, sử dụng giống cây trồng, quản lý khai thác cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng thuộc lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin sản phẩm, giúp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm được rõ ràng để hỗ trợ hoạt động XTTM đạt hiệu cao.

- Thứ ba, Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn để trang bị kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng quản trị doanh nghiệp; Tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng livestream …  

- Thứ tư, Hoạt động XTTM trong thời gian tới cần hướng đến việc đổi mới hoạt động, các doanh nghiệp, cơ sở SX, KD, hợp tác xã, tổ hợp tác phải là chủ thể của hoạt động XTTM; triển khai hoạt động XTTM theo các nhóm có yêu cầu chung; Phát triển XTTM gắn liền với phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động XTTM. Tổ chức các cuộc đối thoại với chủ doanh nghiệp, cơ sở để lắng nghe và giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho hỗ trợ cơ sở phát triển sản, xuất kinh doanh.

- Thứ năm, Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại trên môi trường số, thương mại điện tử; hỗ trợ, giới thiệu doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT Bến Tre và các sản TMĐT lớn như: TMĐT lớn Shopee, Lazada, Sendo PostMart.vn, Voso.vn,… để giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

- Thứ sáu, Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

2. Đối với Doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh:

- Thứ nhất, Để tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến có hiệu quả, doanh nghiệp cần phải có sản phẩm bảo đảm chất lượng khi phân phối ra thị trường với giá thành cạnh tranh; có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp. Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất lớn nên cần chủ động chuyển đổi số sớm như xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Thứ hai, tích cực, chủ động nhiều hơn nữa trong công tác XTTM, dành ra một khoản kinh phí cho hoạt động XTTM, có bước chuẩn bị chu đáo trước khi tham gia các chương trình XTTM, tận dụng tối đa mọi cơ hội mà cơ quan XTTM nhà nước dành cho các doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quản lý, có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin để ứng dụng thương mại điện tử tại doanh nghiệp, đồng thời thực hiện đúng quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

Thứ ba, Chủ động chuyển đổi hình thức bán hàng trực tiếp sang trực tuyến; tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Chủ động xây dựng đội ngũ quản trị mạng, đội ngũ bán hàng và tiếp thị trên mạng. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch duy trì, phát triển website, các trang mạng xã hội, kênh bán hàng điện tử của từng doanh nghiệp.

Thứ tư, Ngoài những hỗ trợ của nhà nước, các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, phát triển thương hiệu.
Tin, ảnh: Thư – TT. KC&XT