• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Nâng tầm thương hiệu “Bò Ba Tri”
HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh phát triển dịch vụ nuôi, cung cấp bò sinh sản. (Ảnh: Trà Dũng)

Nâng tầm thương hiệu “Bò Ba Tri”

(Cập nhật: 05/12/2018)

​Từ khi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao chứng nhận nhãn hiệu “Bò Ba Tri”, người dân Ba Tri đã mạnh dạn liên kết trong chăn nuôi và kinh doanh bò, đa dạng hoá các hoạt động kinh tế từ con bò, từng bước nâng tầm cho thương hiệu… Có thể nói, đây là cơ hội tốt để huyện Ba Tri giới thiệu, quảng bá sản phẩm bò ra thị trường, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo định hướng Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ Bến Tre về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.


Ba Tri là huyện có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre với gần 100.000 con, trong đó có khoảng 60% là bò cái sinh sản, còn lại là bò nghé và bò nuôi vỗ béo. Chăn nuôi bò được xem là ngành kinh tế chủ lực của hàng ngàn hộ nông dân nơi đây, người chăn nuôi luôn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi để đem về giá trị kinh tế cao cho gia đình.

Khi các dự án về cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện, nông dân Ba Tri đã nhanh chóng tiếp cận, áp dụng đại trà. Từ năm 2002, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Ba Tri đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân thực hiện Dự án sind hóa đàn bò giai đoạn 2002 - 2005, dự án Zebu hóa đàn bò từ 2005 - 2010 để nâng cao chất lượng đàn bò Ba Tri bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo các giống bò chuyên thịt như: Brahman, Red Angus... Đây là những loại bò háo ăn, tăng trọng nhanh, khối lượng lớn, chất lượng thịt tốt… Ưu điểm của các giống bò này là trọng lượng lớn hơn rất nhiều so với bò địa phương, bò đực giống Red Angus, trọng lượng trên 1.000 kg, tỷ lệ thịt xẻ trên 70%.

Bò cái giống lớn gấp đôi so với giống bò lai Sind địa phương. Các giống bò này tốc độ sinh trưởng nhanh, thương lái ưa chuộng tìm mua giá cao. Việc thụ tinh nhân tạo cho đàn bò những năm qua được người dân Ba Tri tích cực hưởng ứng. Từ đó, từng bước thay đổi cơ cấu giống bò địa phương, đã loại bỏ dần đàn bò vàng hoặc bò cái lai không đạt tiêu chuẩn vốn tồn tại nhiều năm.

Nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện chất lượng đàn bò, cuối năm 2016, bò Ba Tri  được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao chứng nhận nhãn hiệu “Bò Ba Tri”, đây là nhãn hiệu bò đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long có chất lượng và giá trị kinh tế cao, tạo động lực để ngành chăn nuôi bò ở Ba Tri phát triển.

Anh Nguyễn Thành Quang - Chủ cơ sở sản xuất bò giống ở ấp Mỹ Hòa cho biết: Gia đình anh có truyền thống nuôi bò, với kinh nghiệm sẵn có, năm 2015, để mở rộng thêm chuồng trại, tăng số lượng đàn, anh đã đầu tư mua 7 công đất ruộng để xây dựng chuồng trại và trồng cỏ tạo nguồn thức ăn cho bò, với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng. Hiện cơ sở của anh đang nuôi khoảng 150 bò sinh sản và bò thịt nuôi theo hình thức vỗ béo. Bò giống của cơ sở Thanh Quang đã được xuất bán ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Kiên Giang… Theo anh Quang, triển vọng thị trường của đàn bò rất lớn nếu được hỗ trợ nhiều hơn về hoạt động xúc tiến thương mại cũng như vốn vay để mở rộng việc sản xuất kinh doanh.   

Bên cạnh chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho con bò nuôi ở Ba Tri, người chăn nuôi bò ở Ba Tri lại có thêm chỗ dựa vững chắc với sự ra đời của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Chánh ở ấp Gò Da, xã Mỹ Chánh. HTX hoạt động và kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi, tiêu thụ và thực hiện các dịch vụ thú y; bán thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc… Hiện nay, HTX hoạt động rất hiệu quả và có chiều hướng phát triển tốt.

Nếu như lúc mới thành lập, HTX chỉ có 50 hộ thành viên, tổng vốn điều lệ hơn 100 triệu đồng, thì đến nay, số thành viên đã lên đến 200 và vốn điều lệ đã lên đến 10 tỷ đồng. Đạt được những thành quả đó, ông Trà Tấn Thanh - Giám đốc HTX Mỹ Chánh cho biết: Ngay từ khi thành lập, HTX đã vạch ra con đường phát triển rất cụ thể, trong đó sản xuất an toàn và đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh là tôn chỉ xuyên suốt hoạt động của HTX.

HTX hiện tập trung phát triển thương hiệu của bò cái sinh sản, tuân thủ tuyệt đối các quy trình về sản xuất an toàn. Bò cái của HTX khi bán ra được tiêm 2 mũi vắc-xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng trước 15 ngày. Khi xuất bán, 100% số bò của HTX đều có giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện sau kết quả kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và thú y - thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre. Nhờ chất lượng tốt, bò giống của HTX luôn duy trì được giá bán ổn định và cao hơn giá thị trường 5.000 - 10.000 đồng/kg. Trong năm 2018, HTX đã ký kết 14 hợp đồng kinh tế, xuất bán ra thị trường 1.200 con bò cái sinh sản.

Ông Dương Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, hiện nay, huyện Ba Tri đang tập trung hỗ trợ HTX Mỹ Chánh để trở thành điểm sáng đủ sức lan tỏa ra khắp địa bàn. Cùng với đó, huyện cũng đang tập trung tháo gỡ một số khó khăn để nhãn hiệu tập thể “Bò Ba Tri” có thể mang lại lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi, song song với đó là tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá cho đàn bò.

Nguồn: Trà Dũng - Trung Trí