• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Khôi phục các thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng sau dịch Covid-19
Bộ trưởng Bộ NN&PT Nông thôn - Nguyễn Xuân Cường.

Khôi phục các thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng sau dịch Covid-19

(Cập nhật: 08/05/2020)
VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
 

Chiều nay 7/5, tại An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2019, và đưa ra một số định hướng, giải pháp phát triển cá tra trong thời gian tới; nhất là trong bối cảnh ngành hàng cá tra bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Năm 2019, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi sản lượng cá tra nuôi tăng nhanh từ năm 2018 dẫn đến dư nguồn cung, làm giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, giá xuất khẩu giảm mạnh tại tất cả thị trường; giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng, thị trường bị biến động do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung…

Cụ thể, tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 đạt 6.205 ha (tăng 15% so với năm 2018), sản lượng đạt 1,72 triệu tấn (tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2018), kim ngạch xuất khẩu đạt 2,0 tỷ USD (giảm 11,4% so với năm 2018). Nhất là do ảnh hưởng dịch Covid 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu cá tra tại các thị trường như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng Châu Âu, Hàn Quốc… đây cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 30/3 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng: kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm, nhất là năm nay sẽ giảm nhiều so với năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các thị trường như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc… không thể phục hồi ngay sau khi hết dịch. Đối với thị trường Trung Quốc, hiện nay đã có tín hiệu khôi phục trở lại, tuy nhiên đây là thị trường không ổn định, rủi ro cao, mặc dù thị trường này chiếm hơn 30% tổng sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam.

Trước mắt cần khôi phục nhanh thì trường Trung Quốc, nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho hiện nay. Đánh giá lại thị trường tiêu thụ tiềm năng như Mỹ, châu Âu,… để có hướng điều chỉnh phù hợp cho năm 2021 và lâu dài. Song song đó, cần đẩy mạnh chất lượng ngành cá, cải thiện chất lượng con giống… Bên cạnh đó cần hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường mới. Đặc biệt, phải xây dựng kênh phân phối thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Trước mắt, tháng 5, tháng 6 này phải dồn vào thị trường Trung Quốc, tập trung tháo gỡ, kể cả Bộ, phối hợp công thương, kể cả các tỉnh biên giới, kể cả các cửa khẩu… hiệp hội ngành hàng phối hợp cùng với doanh nghiệp. Thứ hai là thị trường Châu Âu, tín hiệu hiện nay là tường quốc gia bắt đầu mở từng lĩnh vực kinh tế, tháng 6, tháng 7 này, mà cùng tập trung được cái này thì phát triển. Các thị trường nhật bản, ASEAN, mà nhất là thị trường Nhật Bản có sức tiêu thụ rất lớn thì chúng ta phải tiếp cận sâu hơn”./.
 

Nguồn: VOV