• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Khách hàng Trung Quốc muốn ép giá thủy sản
Tính đến hết tháng 3-2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 1,6 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Khách hàng Trung Quốc muốn ép giá thủy sản

(Cập nhật: 06/05/2020)
(PLO)- Theo phản ánh của một số DN thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều. Hơn nữa, khách hàng Trung Quốc muốn ép giá mặc dù giá chào bán sản phẩm đã thấp hơn so với trước dịch.


Mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT để báo cáo về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến sản xuất xuất khẩu thủy sản Việt Nam và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Trong báo cáo VASEP cho biết tính đến hết tháng 3-2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 1,6 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong nhóm sản phẩm chủ lực, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất trên 29%, mực bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10% trong khi xuất khẩu tôm vẫn có tăng trưởng dương 1,8%.

Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu nhất

Trong số các thị trường, 
xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm sâu nhất 27%, sang EU giảm 16%, Hàn Quốc giảm 11% và ASEAN cũng giảm 11%. 

"Dịch bệnh COVID-19 đã làm xáo trộn lớn tới nền kinh tế Trung Quốc. Tiêu thụ thủy sản ở nước này cũng suy giảm đáng kể do người tiêu dùng hạn chế tới các chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng… Logistics cũng bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh. Chính vì vậy, đã xảy ra tình trạng ùn tắc tại nhiều cảng biển nước này do chậm giải phóng các kho hàng lạnh. Sự tắc nghẽn ở các cảng Trung Quốc ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu thủy sản của nhiều nước" - VASEP cho biết.

Theo phản ánh của một số DN thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều, hơn nữa, khách hàng Trung Quốc muốn ép giá mặc dù giá chào bán sản phẩm đã thấp hơn so với trước dịch. Cạnh đó, sau khi dịch COVID-19 bớt căng thẳng tại Trung Quốc, các DN nước này có nhu cầu nhập khẩu nhưng khó tiếp cận các nguồn tài chính để vay vốn. 

Đáng chú ý, trong quý I-2020, Nhật Bản lại vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu trên 313 triệu USD, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là thị trường này đẩy mạnh nhập khẩu tôm Việt Nam. Ba tháng đầu năm, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% xuất khẩu tôm và là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 2, chiếm 27%. 

Cùng với Nhật Bản, 
xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong quý I cũng đạt 287 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kiến nghị miễn nộp phí công đoàn trong năm 2020

Hiện nay, diễn biến của đại dịch COVID-19 vẫn vô cùng phức tạp. VASEP lo ngại trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm. DN chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi.

Trước mắt, để hỗ trợ DN giảm bớt áp lực và khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, tạo điều kiện phục hồi sản xuất xuất khẩu, ứng phó với dịch, các DN thủy sản đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam miễn nộp kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020 và tạm dừng việc đóng BHXH đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm. 

Xem xét dùng tiền kết dư của Quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, 50% còn lại DN tự lo, dùng quỹ này cho DN vay không lấy lãi để chi trả cho các chi phí cho NLĐ.

Về lương của NLĐ, VASEP kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép DN được lựa chọn một trong hai giải pháp: NLĐ chấp nhận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (LTTV), theo mức do hai bên thỏa thuận, có thể thấp hơn mức LTTV. Hoặc đề nghị cho phép áp dụng ngay Điều 99 của Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp ngừng việc do dịch bệnh, thì 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức LTTV, từ ngày 15 trở đi theo mức lương do hai bên thỏa thuận. 

Về tín dụng, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện đồng nhất các chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đã ban hành...

Các DN thủy sản cũng nêu ý kiến, kho lạnh trữ hàng là một mắt xích quan trọng và có tính chiến lược đối với các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông-thủy sản. Hiện đang thiếu kho lạnh trầm trọng khiến các DN không thể thu mua được hơn nguồn nguyên liệu tôm-cá mà bà con nông-ngư dân sản xuất ra, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại.

Do đó, các DN đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% trong hai năm đầu và giảm lãi suất 50% trong bốn năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh trữ hàng lớn với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên.

Nhiều DN không có đơn hàng mới trong quý II, III-2020.

Theo kết quả khảo sát ý kiến và phản ánh của các DN thủy sản do VASEP thực hiện, hiện tỉ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30%-50%. Trong khi đó, tỉ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỉ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao, lần lượt 20%-40% và 20%-30%.

Các thị trường có tỉ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Riêng Trung Quốc, từ tháng 3 thì thị trường này bắt đầu có dần các đơn hàng trở lại.

Đối với các đơn hàng cho quý II, III-2020 thì việc ký kết các đơn hàng mới cũng rất khó khăn, đặc biệt tại các nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU... Rất nhiều DN vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới. Một số DN có được đơn hàng mới nhưng không nhiều. 
  

 
Nguồn: PLO