• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hội nghị tuyên truyền và giới thiệu về Phòng vệ thương mại
Bà Đỗ Thi Sa – Phó GĐ Trung tâm Thông tin và Cảnh báo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị tuyên truyền và giới thiệu về Phòng vệ thương mại

(Cập nhật: 22/07/2024)
Ngày 19/7/2024, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị về Phòng vệ thương mại, với chủ đề "Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong tình hình mới".
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Trung tâm thuộc Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương; lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh: Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Tiền Giang; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Tho; lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất nhập khẩu trên địa bàn các tỉnh tham dự. Ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang và bà Đỗ Thi Sa – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Cảnh báo thuộc Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đồng chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các báo cáo viên đến từ Cục Phòng vệ thương mại  - Bộ Công Thương giới thiệu một số nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, tập trung thông tin về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua; tổng quan về quy trình pháp luật phòng vệ thương mại (PVTM) trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; thực tiễn và tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước và ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đấu tranh ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; xu thế giảm phát thải dấu vết Carbon cho sản phẩm hàng hóa để từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó có Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) về hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực tế thời gian qua cho thấy, do năng lực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng nhanh, nên hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM của các đối tác thương mại. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 20 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nền kinh tế. Trong đó, có 15 FTA đã ký kết và thực thi, 1 FTA đã ký kết chuẩn bị thực thi trong năm 2024, 3 FTA đang đàm phán và 1 FTA đã được khởi động đàm phán.
Các doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt lợi thế có được từ cam kết cắt giảm thuế quan của các nước đối tác FTA đối với hàng xuất khẩu có xuất xứ của tỉnh. Song điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về những rào cản thương mại, trong đó nổi bật nhất là rào cản PVTM…Nếu trước đây, hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thì hiện những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện liên quan đến các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Loại hàng hóa bị khởi kiện cũng đa dạng hơn từ hàng nông, thủy sản cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới đang ngày càng gia tăng thực thi các chính sách bảo hộ và PVTM, hàng xuất khẩu Việt Nam đã, đang và sẽ phải chịu tác động đáng kể tại các thị trường xuất khẩu.
Trong khuôn khổ hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước đã tập trung phân tích thực trạng và đưa ra cảnh báo và các khuyến nghị cho các DN xuất khẩu ứng phó và phòng ngừa các vụ kiện về PVTM trong tình hình mới. Điều này sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN. Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Thông qua Hội nghị góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu biết sâu hơn về các biện pháp PVTM và cách áp dụng có hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời tận dụng được ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định../.
(Nguồn: Xuyên-P.QLTM)