• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Đánh giá 05 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và 02 năm thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN

(Cập nhật: 30/05/2022)
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Thông tư số 28/2020/TT-BCT ngày 16/11/2020 của Bộ Công Thương Quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã chỉ đạo giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc và tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nội dung của Nghị định, Thông tư nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển tại các cụm công nghiệp (CCN).

Qua 05 năm triển khai thực hiện, việc phát triển các CCN đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh luôn chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN theo trình tự, quy định của pháp luật; trong đó, chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN, vừa kết nối với các hạ tầng kỹ thuật hiện có hoặc dự kiến, để thuận lợi trong quá trình thực hiện đầu tư, kết nối giao thông thông suốt, tận dụng được hạ tầng hiện có tránh đầu tư chồng lấn, giảm chi ngân sách và triển khai thực hiện thi công thuận lợi, nhất là không giải phóng mặt bằng nhiều lần trên cùng một dự án, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 10 CCN được thành lập, với tổng diện tích 347,3 ha, có 09 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 337,3 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 243,45 ha, đã cho thuê 78,76 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 32,35% diện tích đất công nghiệp. Có 04 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các CCN có 25 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.905,38 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.696 lao động.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre, các Sở, ngành, các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công: thành lập, mở rộng CCN, lập quy hoạch chi tiết CCN, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng CCN, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN,...góp phần cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trong CCN. Và để tăng cường thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN, UBND tỉnh đã ban hành quy định chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Ngoài những mặt đạt được, việc phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế: Phần lớn các CCN mặc dù đã thành lập và có quy hoạch chi tiết nhưng chưa giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp thuê để hoạt động sản xuất. Thay vào đó, tỉnh sẽ vận động các doanh nghiệp tự ứng vốn để đền bù giải phóng mặt bằng tạo đất sạch, tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng đi vào hoạt động. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm. Đối với doanh nghiệp năng lực tài chính yếu thì gặp khó khăn đầu tư theo hình thức này.

Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do phần lớn người dân không đồng tình với đơn giá quy định của Nhà nước, nên tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm. Ngoài ra, do nền địa chất tại Bến Tre yếu nên suất đầu tư hạ tầng tương đối lớn; hạ tầng ngoài hàng rào các CCN (giao thông, điện, nước,...) phần lớn chưa có hoặc yếu kém (do đa số CCN nằm ở vùng kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn) làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Công tác kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng các CCN vẫn chưa có kết quả cao; Hầu hết các CCN đã đi vào hoạt động đều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định. Tỉnh cũng đã nhận thức rõ vấn đề này nhưng do ngân sách còn hạn chế nên chưa xử lý dứt điểm những tồn tại.

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, với chỉ tiêu “mỗi huyện 01 CCN ít nhất 70ha, riêng huyện Chợ Lách có diện tích phù hợp”. Các ngành, các cấp cần tiếp tục đẩy nhanh việc kêu gọi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN đối với các CCN đang có tiềm năng. Đối với các CCN khác sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân đảm bảo hạ tầng đồng bộ trong và ngoài CCN, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Ban hành bộ tiêu chí thu hút đầu tư vào khu, CCN; đa dạng hình thức thu hút đầu tư, trong đó chú trọng hình thức thu hút đầu tư trực tiếp đối với những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư./.
Nguồn: P.QLCN – SCT