• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc
Chế biến tôm xuất khẩu.

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc

(Cập nhật: 07/11/2019)

Năm nay, lượng tôm nước ấm nhập khẩu vào Trung Quốc tăng đột biến và sẽ còn tăng mạnh tới hết năm. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng xuất tôm sang Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc tăng đột biến về lượng.

Cụ thể, lượng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu vào nước này đạt 433.000 tấn, tăng tới 227% so với cùng kỳ năm 2018.

2 nước cung cấp tôm chính cho Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2019 là Ecuador và Ấn Độ, lần lượt đạt 217.000 tấn và 108.000 tấn tôm, chiếm 76% tổng lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhập khẩu tôm từ Ecuador và Ấn Độ vào Trung Quốc đang suy giảm. Tháng 9, do ảnh hưởng của việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu đối với 4 công ty Ecuador vì phát hiện mầm bệnh trong một số lô hàng của những công ty này, nhập khẩu tôm từ Ecuador vào Trung Quốc đã giảm 17% so với tháng 8, xuống còn 30.000 tấn.

Trong 2 tháng 8 và 9, nhập khẩu tôm từ Ấn Độ vào Trung Quốc cũng liên tục giảm mạnh. Tháng 8 đạt 16.400 tấn so với 18.100 tấn trong tháng 7. Tháng 9 giảm 24% xuống còn 12.500 tấn.

Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu tôm từ Ấn Độ có nguyên nhân không nhỏ từ việc sản lượng tôm Ấn Độ trong năm nay giảm khá nhiều do nông dân giảm thả nuôi vì giá thấp và dịch bệnh.

Tôm thẻ chân trắng tại Ấn Độ đang thất thu nghiêm trọng do dịch bệnh, gió mùa sớm đã tạo điều kiện cho mầm bệnh xuất hiện và lây lan.

Lũ lụt cũng khiến tình trạng dịch bệnh đốm trắng (WSSV) trở nên khó kiểm soát. Mưa gió ở vùng Tây Bắc bang Gujarat và Andhra Pradesh của Ấn Độ, đã phá hủy hàng ngàn trang trại sản xuất tôm lớn.

Kết quả kiểm tra mẫu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, cho thấy, tất cả ao nuôi tại Ấn Độ đều có các mầm bệnh phổ biến trên tôm như: Bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đen mang (BGD), hội chứng lỏng vỏ (LSS), bệnh phân trắng (WFS), bệnh trắng cơ (WMD), bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHN) ...

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, ước tính việc giảm thả nuôi và dịch bệnh làm giảm từ 20-30% sản lượng tôm của Ấn Độ.

Việc Trung Quốc giảm nhập tôm từ 2 nguồn cung chính là Ecuador và Ấn Độ, đang tạo cơ hội lớn cho tôm Việt Nam.

Bằng chứng là trong tháng 9, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Trung Quốc đã tăng tới 40% so với tháng 8 và đạt hơn 5.000 tấn.

Nhờ vậy, tuy thị phần của tôm Việt Nam  trong tổng lượng tôm nước ấm nhập khẩu của Trung Quốc còn khá khiêm tốn (8%), nhưng Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu tôm lớn thứ 3 vào Trung Quốc, vượt xa thị phần của 2 nước đứng sau là Thái Lan (3%) và Argentina (2%).

Theo nhận định của Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2019, nhập khẩu tôm của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán 2020, trong khi tồn kho tôm ở nước này đang ở mức thấp.

Theo thông lệ, nhu cầu nhập khẩu tôm kích cỡ lớn vào Trung Quốc sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc từ nay đến hết năm.

Dự báo, lượng tôm nước ấm nhập khẩu của Trung Quốc năm 2019 sẽ đạt khoảng 600 nghìn tấn. Dự kiến, tổng lượng tôm nhập khẩu (tôm nước ấm và tôm nước lạnh) của Trung Quốc trong cả năm nay có thể lên tới 800 ngàn tấn.

Một điều rất đáng chú ý là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, năm nay, lượng tôm từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giảm mạnh. 8 tháng đầu năm nay, lượng tôm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giảm tới 53% so với cùng kỳ 2018. Vậy mà Trung Quốc vẫn phải tăng rất mạnh lượng tôm nước ấm nhập khẩu.

Điều này cho thấy nhu cầu tôm ở Trung Quốc đang ngày càng vượt xa so với khả năng sản xuất trong nước. Do đó, Trung Quốc đang là một thị trường rất tiềm năng cho tôm Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: NNVN