• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bỏ thành thị về quê làm triệu phú chôm chôm

Bỏ thành thị về quê làm triệu phú chôm chôm

(Cập nhật: 21/01/2019)

Lớn lên từ Tp.HCM nhưng cái duyên đất Chợ Lách, Bến Tre vốn là quê hương xứ sở đã cuốn hút ông Nguyễn Thành Kiệt 55 tuổi ngụ ấp Lộc Hiệp, xã Vĩnh Bình rời bỏ thị thành năm 2005 để bắt đầu cho một cuộc hành trình làm triệu phú miệt vườn trên 13 công chôm chôm do ông bà để lại canh tác.

Ông Kiệt kể lại: “Tôi vốn là dân làm nghề sửa chữa điện tử nên hồi đầu có biết gì về vườn tược gì đâu. Vì vậy tôi đi học tập các mô hình trồng chôm chôm của nhà vườn khắp nơi, từ Đồng Nai, Vĩnh Long, Bến Tre về kết hợp với những tư liệu trên các mạng chính thống để làm theo cách riêng của mình và thành công cho đến hôm nay”.

Với phương châm trồng nhiều loại chôm chôm để bổ sung cho nhau đề phòng khi mất giá một trong những sản phẩm nông nghiệp đang có; ông Kiệt đã qui hoạch lại diện tích trồng của mình trong đó chôm chôm JaVa chiếm đến 80%; chôm chôm Thái 18%; 2% còn lại là chôm chôm đường.

Theo kinh nghiệm của mình, ông Kiệt cho biết: Trong các loại chôm chôm, JaVa là loại có sản lượng cao nhất, bình quân mỗi công người trồng có thể thu hoạch từ 4 đến 5 tấn trái, giá bán từ 15.000 đến 17.000 đồng/ký ( tùy thời điểm). Tuy nhiên nhu cầu của một số người tiêu dùng lại thích dùng chôm chôm Thái, chôm chôm đường dù giá có cao hơn rất nhiều nhưng ngược lại chất lượng ngon hơn và thời gian bảo quản lâu hơn. Cạnh đó, giá 2 loại chôm chôm trên thường cao hơn từ 70 đến 80 % nên dù sản lượng có thấp hơn chôm chôm JaVa nhưng bù lại giá bán cao nên người trồng vẫn có lãi.

Ảnh: vườn chôm chôm nhà ông Kiệt 

Tuy vậy, trồng chôm chôm Thái và đường đòi hỏi sự chăm sóc rất tỉ mĩ, đúng bài bản, đặc biệt là yếu tố phải đảm bảo nguồn nước tưới hợp lý bởi nếu thiếu nước hay dư nước thì đều cho sản lượng thấp. Từ đó ông Kiệt đã làm màn phủ che chắn toàn bộ diện tích đất trồng để chủ động được nguồn nước tưới vào các gốc theo yêu cầu. Đối với những cây “cá biệt” thiếu nước, ông đánh dấu và có hướng xử lý riêng. Cách làm này thực sự có hiệu quả khiến toàn bộ cây có trái say và đều đặn.

Chưa dừng lại ở đây, người thợ điện tử Sài Gòn này còn tham vấn rất nhiều tư liệu về các biện pháp trồng trọt theo phương pháp VietGap để cho ra trái cây sạch. Cụ thể ông sử dụng rất nhiều phân hữu cơ như: phân bò, dơi, gà, vịt để chăm bón cho 13 công chôm chôm đa dạng của mình.

Với cách làm này, mỗi năm ông Nguyễn Thành Kiệt thu về  khoảng 40 tấn trái các loại, trừ các khoản chi phí đầu tư, ông thu lãi trên 550 triệu đồng.

Ông Ngô Ngọc Lãng, chủ tịch Hội Nông Dân xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre nhận xét: “Đây là trường hợp rất đặc biệt ở địa phương, từ một người thợ chuyển sang làm nông dân nhưng ông Kiệt làm giàu không thua kém một ai. Đã vậy chôm chôm của ông bán chạy như tôm tươi bởi đảm bảo qui trình sạch, an toàn. Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt cho nông dân xã nhà đến tham quan, tìm hiểu, học tập, làm theo”.

Không chỉ sản xuất giỏi, ông Kiệt còn khiến cho nhiều người xung quanh bất ngờ khi ông tự chế tạo thành công hệ thống phun tưới vườn tự động. Với thiết bị này đã giúp ông giảm bớt rất nhiều công lao động tưới tay thủ công như trước; rút ngắn thời gian tưới; khoanh vùng và điều tiết mức độ tưới từng bờ vườn theo mong muốn. Đáng chú ý là thiết bị này giúp ông có thể chủ động tưới 13 công vườn bất kỳ lúc nào kể cả khi ông cách vườn nhà hàng chục cây số thông qua các thiết bị điện thoại di động. Thấy được hiệu quả từ những thiết bị đơn giản nhưng hiệu quả do ông Kiệt chế tạo, nhiều nhà vườn đã đến nhờ ông lắp đặt và hướng dẫn sử dụng rất thành công.

Ông Kiệt kể thêm: “ Làm kinh tế nông nghiệp bây giờ phải khoa học, hiện đại; phải áp dụng những phát minh mới để vừa tăng năng suất, tăng chất lượng, hạn chế chí phí, thời gian, sức lao động nhưng vẫn làm giàu chính đáng”. Ông quả quyết.

Nguồn: T.T.Liêm (CTV)