• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Quang cảnh hội thảo

Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

(Cập nhật: 29/12/2020)
Chiều ngày 21/12/2020, trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Mekong Connect 2020, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp, 4 đơn vị ABCD (các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ) đã tổ chức 4 hội thảo với các chủ đề : “Công nghiệp hóa sản xuất kinh doanh nông nghiệp – góc nhìn từ OCOP”,Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, “Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở đồng bằng Sông Cửu Long”, “Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp”.

Trong đó, tỉnh Bến Tre đã chủ trì, phối hợp với Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Hội thảo do ông Nguyễn Trúc Sơn– Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre và ông Phạm Xuân Đà Cục trưởng Cục công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì; hội thảo thu hút dự hơn 100 đại biểu là đại diện các Bộ, Cục quản lý chuyên ngành Trung ương, các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến từ các địa phương thuộc khu vực ABCD cùng với các chuyên gia kinh tế, các phóng viên báo đài.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe  PGS.TS  Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày báo cáo chuyên đề “Vai trò của khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập”; ông Trần Giang Khuê - Văn phòng phía Nam – Cục sở hữu trí tuệ trình bày nội dung “Xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản vùng đồng bằng song Cửu Long nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập” nhằm lưu ý các doanh nghiệp muốn phát triển sản xuất kinh doanh hướng đến xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường EU và Mỹ phải quan tâm;... Theo các diễn giả, một chiến lược thương hiệu đúng đắn là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng, khẳng định vị thế doanh nghiệp trên thị trường.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: “Thương hiệu là thứ tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, của địa phương và cao hơn nữa là của quốc gia. Mục đích của việc xây dựng thương hiệu không chỉ để đề phòng bị đánh cắp mà còn bảo vệ doanh nghiệp không bị kiện ngược khi gia nhập vào sân chơi toàn cầu. Các doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm hiểu, bắt kịp những xu hướng phát triển khoa học công nghệ, nhanh chóng thực hiện các hoạt động bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp trong từng khâu của chuỗi giá trị nông sản để cải tiến kỹ thuật, đầu tư sâu rộng thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế”.
 
Ông Trần Giang Khuê – Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng: “Sở hữu trí tuệ là cách hữu hiệu tạo ra hình ảnh, giá trị, uy tín, giá trị sử dụng, giá trị gia tăng cho hàng hóa, sản phẩm. Đó là con đường tạo ra thương hiệu. Gốc rễ của xây dựng và phát triển thương hiệu chính là việc đảm bảo giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Điều này, không ai có thể làm thay cho doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp phải duy trì được danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm đặc sản địa phương, nhất là các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận”.

Từ kinh nghiệm thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, lãnh đạo các doanh nghiệp Bến Tre đều nhìn nhận: Thương hiệu là yếu tố góp phần duy trì và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp; từ đó, giúp nâng cao văn minh thương mại và hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Khi xây dựng được thương hiệu, doanh nghiệp không chỉ tạo ra nhiều lợi thế về thị trường, mà còn tạo ra lợi thế về phân phối sản phẩm, phát triển kinh doanh, tăng giá trị khối tài sản vô hình. Liên quan đến định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre khẳng định phải có sự gắn kết thương hiệu của doanh nghiệp với thương hiệu của vùng, địa phương, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; Các cơ quan chức năng cần xác định những lĩnh vực, nhóm sản phẩm chủ lực mang thương hiệu của tỉnh để đăng ký ra nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ sử dụng thương hiệu này (với tên riêng của doanh nghiệp) để từng bước đưa sản phẩm đặc sản ra thị trường quốc tế ngày một tốt hơn. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất mới có thể nâng cao giá trị, góp phần phát triển các sản phẩm địa phương, từ đó, tạo ra sự liên kết, tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới ./.
Nguồn: P.KHTCTH - SCT