• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tổng kết công tác phòng chống hạn mặn và dịch Covid-19 tại Bến Tre
Đ/c Phan Văn Mãi – Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận Hội nghị

Tổng kết công tác phòng chống hạn mặn và dịch Covid-19 tại Bến Tre

(Cập nhật: 19/06/2020)
Ngày 11/6/2020, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống hạn mặn, đánh giá tác động của hạn mặn, dịch Covid-19 và giải pháp khôi phục, thúc đẩy sản xuất trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy ông Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Nguyễn Hữu Lập đồng chủ trì hội nghị.

Từ đầu năm đến nay, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, sâu, kéo dài, diễn biến bất thường, bao phủ toàn tỉnh Bến Tre đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống, ứng phó của chính quyền và đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh; song song đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Sự tác động “kép” này đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ,...

Đối với ngành công thương, do ảnh hưởng của tình hình nước mặn, dịch bệnh đã làm giải thể 06 doanh nghiệp, tạm ngưng hoạt động 21 doanh nghiệp, chủ yếu ngành nghề may mặc, dừa (chỉ, dừa trái, sơ chế, thạch dừa…), đóng tàu, in ấn,… Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 27 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có biến động về lao động, việc làm, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến các sản phẩm từ dừa, may mặc, giày da,… Hiện tại, một số doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục lại sản xuất kinh doanh cùng với đó là thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ngành chế biến dừa: Xâm nhập mặn dẫn đến nguyên liệu không đáp ứng yêu cầu sản xuất, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm; dịch bệnh làm cho nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm từ dừa sụt giảm.

 Ngành chế biến thủy sản: Tình hình xâm nhập mặn đã dẫn đến hiện tượng thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, do dịch Covid-19 lây lan mạnh, các nhà máy chế biến thủy sản không xuất khẩu được, hàng bị tồn kho nhiều.

 Ngành dệt may, điện tử: Do dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, nhiều doanh nghiệp bị hủy khoảng 50% đơn hàng hoặc giảm thị trường xuất khẩu, thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất.

Giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm ước đạt 12.210 tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ và đạt 36,45% kế hoạch. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 3,3%, khu vực FDI tăng 8,6%.

Tình hình hạn mặn và dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh, thương mại trên địa bàn tỉnh dẫn đến việc sức mua giảm mạnh do thực hiện cách ly, giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh. Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu khá ổn định, không có biến động lớn (ngoại trừ mặt hàng xăng dầu giảm giá mạnh, khẩu trang tăng do khan hiếm nguồn cung). Giá các mặt hàng trái cây giảm do thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn chưa phục hồi đáng kể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm ước đạt 19.292 tỷ đồng, tăng 1,1% so cùng kỳ và đạt 36% kế hoạch.

Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh giảm so cùng kỳ. Các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông chưa được kiểm soát. Mặc khác, các doanh nghiệp đã tìm thị trường xuất khẩu khác để thay thế nhưng vẫn chưa xuất được nhiều. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 391,04 triệu USD, giảm 15,76% so cùng kỳ và đạt 28% kế hoạch. Đa số các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu đều giảm mạnh so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm đạt 109,82 triệu USD, giảm 36% so cùng kỳ và đạt 18,3% kế hoạch.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy ông Phan Văn Mãi chỉ đạo tiếp tục triển khai tốt các giải pháp khôi phục, thúc đẩy sản xuất trong thời gian tới. Triển khai đầy đủ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất; tập trung hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển thương mại điện tử, ứng dụng kinh tế số,…

 
Nguồn: Phòng KHTCTH